80 nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-EU

Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-EU cũng tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, nhất là sau khi IS có kế hoạch chuyển sang địa bàn châu Phi.
80 nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-EU ảnh 1Một góc thủ đô Abidjan của Côte d'Ivoire. (Nguồn: Erasmusu.com)

Ngày 29/11, tại thủ đô Abidjan của Côte d'Ivoire, hơn 80 nhà lãnh đạo châu Phi và Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-EU nhằm thảo luận vấn đề việc làm, ổn định dân số đang bùng nổ ở châu Phi và thiết lập "một kế hoạch Marshall" mới.

Hội nghị kéo dài trong 2 ngày này sẽ thảo luận về các vấn đề cấp bách mà châu Phi và EU đang phải đối mặt, bao gồm việc làm cho thanh thiếu niên, di cư, hợp tác kinh tế và Chiến lược chung cho Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi (JAES).

Ngoài ra, hội nghị cũng tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực, nhất là sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có kế hoạch chuyển sang địa bàn châu Phi sau khi đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ ở Iraq và Syria.

Trong khi đó, các tổ chức Hồi giáo cực đoan địa phương như Boko Haram ở Nigeria, Al Shabaab ở Somalia và các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Niger và Mali đang gia tăng các hoạt động khủng bố tại khu vực này, đặc biệt là khu vực Sahel rộng lớn. Vấn đề này cũng liên quan đến tình hình an ninh ở châu Âu.

Bên cạnh đó, vấn đề dân số châu Phi cũng nằm trong nội dung thảo luận trong bối cảnh các chuyên gia dân số học quốc tế dự báo dân số châu lục này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050 lên khoảng 2,4 tỷ người. Việc tìm kiếm các giải pháp và nhu cầu để đáp ứng tình trạng bùng nổ dân số này cũng là chủ đề quan trọng của hội nghị.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở châu Phi, nhất là lực lượng lao động trẻ, chiếm khoảng 1/4 tổng lực lượng lao động của lục địa này, nên việc tạo ra hàng chục triệu việc làm mới để giải quyết bài toán thất nghiệp và thị trường lao động sẽ được hội nghị quan tâm.

Ngoài ra, nội chiến, xung đột vũ trang, khủng bố vẫn là những nguyên nhân quan trọng khiến hàng triệu người châu Phi bất chấp nguy hiểm đã và đang vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu tìm kiếm những cơ hội việc làm và cải thiện cuộc sống. Mặc dù năm nay số người châu Phi di cư sang châu Âu đã giảm đáng kể do nỗ lực của EU và nhiều quốc gia châu Phi nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn rất cao.

Theo giới quan sát khu vực, hiện Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các quốc gia Arab vùng Vịnh và các nước khác cũng gia tăng sự cạnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Phi đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, đến nay, 28 quốc gia thành viên của EU vẫn là một khu vực có ảnh hưởng và hỗ trợ lớn nhất về chính trị và kinh tế đối với Lục địa Đen này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục