800 chiến sỹ Điện Biên xưa tham gia chuyến đi "Về nguồn"

800 đại biểu là chiến sỹ Điện Biên, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tham gia chuyến đi "Về nguồn-Qua miền Tây Bắc."
800 chiến sỹ Điện Biên xưa tham gia chuyến đi "Về nguồn" ảnh 1Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong hai ngày từ 17-18/3, Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử Việt Nam thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức chuyến đi "Về nguồn-Qua miền Tây Bắc" và các hoạt động giao lưu truyền thống tại tỉnh Điện Biên.

800 đại biểu là chiến sỹ Điện Biên, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thân nhân liệt sỹ, dân công hỏa tuyến và người có công đến từ 23 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham gia chuyến đi.

Ngày 17/3, tại Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, các đại biểu đã tham gia Lễ tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các đại biểu đã đến thắp hương tại bàn thờ Đại tướng, đi tham quan Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ban tổ chức đã trao ảnh chân dung Đại tướng cho Ban quản lý di tích, đại diện xã Mường Phăng và xã Nà Tấu; trao 20 suất quà cho các gia đình chính sách, người có công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện đang sinh sống tại xã Mường Phăng.

Gặp gỡ phóng viên TTXVN ngay tại Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch, Đại tá Hoàng Đăng Vinh, người trong tổ trực tiếp bắt sống Tướng De Castries chiều 7/5/1954, đã tự hào kể lại câu chuyện ông chĩa súng bắt sống tướng giặc. Sau 60 năm trở lại Điện Biên Phủ, ông thấy mảnh đất này đã đổi thay nhiều.

Phát biểu cảm tưởng sau 60 năm lại được đến thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Đức Song xúc động kể lại giây phút lịch sử hào hùng khi toàn bộ lực lượng viễn chinh Pháp kéo cờ trắng đầu hàng trên toàn bộ lòng chảo Điện Biên Phủ.

Ông nói: "Đến vùng đất lịch sử này, tôi rất xúc động khi thấy nhân dân ta, Đảng ta, Nhà nước ta đã quan tâm đến lịch sử. Nơi trước kia Đại tướng lập căn cứ chỉ huy làm nên chiến thắng, giờ đã được đầu tư và trở thành điểm di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Chúng tôi là những quân lính của Đại tướng nên rất phấn khởi, xúc động, vừa bồi hồi nhớ đến những đồng đội đã hy sinh."

Sau khi đến tham quan Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 18/3, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Tông Khao và Nghĩa trang Độc lập; tham quan bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, di tích Đồi A1 và tượng đài Chiến thắng; tham quan di tích hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Đờ Cát; thăm và dâng hương tại đền thờ tướng quân Hoàng Công Chất, người đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc miền Tây Bắc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi biên cương từ thế kỷ 18.

Tối 18/3, tất cả 800 cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những nhân chứng lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong chuyến đi “Về nguồn-Qua miền Tây Bắc” sẽ có cuộc giao lưu truyền thống với đồng bào các dân tộc Điện Biên với chủ đề “Điện Biên Phủ - Bản hùng ca dáng đứng Việt Nam” tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục