90% đã bị xóa sổ

Đến 90% di tích khảo cổ thời đại kim khí đã bị xóa sổ

Một thông tin đáng buồn khi có khoảng 80%-90% các di tích khảo cổ học thời đại kim khí đã phát hiện tại Việt Nam bị xóa sổ hoàn toàn.
Nếu không hành động nhanh thì các di sản khảo cổ học quý giá của Việt Nam sẽ biến mất trước tốc độ đô thị hóa, bởi ước khoảng 80%-90% các di tích khảo cổ học thời đại kim khí đã phát hiện, giờ đây bị xóa sổ hoàn toàn.

Vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48, do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức ngày 26/9, đó là việc thực hiện công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, kể từ khi Luật Di sản có hiệu lực năm 2001 đến nay, kết quả của công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học vẫn là con số không. Tuy đã có một vài địa phương có chuyển động như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… nhưng còn khá lúng túng và hết sức chậm chạp.

Đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc hơn nữa, cùng lên tiếng để bảo vệ di sản khảo cổ học.

Mặc dù quy hoạch khảo cổ học chưa có kết quả như mong muốn, song năm 2013 giới khảo cổ học đã có nhiều nghiên cứu, phát hiện quan trọng, với 456 bài thông báo thể hiện sự quan tâm, chú ý của giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước. Trong đó có nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới, phục vụ công tác bảo tồn lâu dài và phát huy di tích, di sản.

Tiến sỹ Tống Trung Tín nhấn mạnh đến phát hiện quần thể động vật cổ sinh Cánh tân ở hang Cốc Mười (Lạng Sơn), có số lượng loài và cá thể đông đúc cách đây 108.000 năm, do các chuyên gia khảo cổ học Việt Nam-Pháp-Astralia khai quật. Hay một địa tầng hang Con Moong (Thanh Hóa) dày 9,5m, do các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga nghiên cứu là điều trước đây ít ai nghĩ tới. Và cồn Cổ Ngựa có số lượng mộ táng dày đặc đáng kinh ngạc ở Thanh Hóa, vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà khảo cổ học Việt Nam-Nhật Bản-Australia.

Một khu vực Trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long lần đầu tiên hé lộ tầng văn hóa liên tục từ thời Đại La đến thời Nguyễn, nhưng còn nhiều thắc mắc về Trục trung tâm Thăng Long thời Lý, khi mà trong khoảng 1.000m2 đã đào mới trong khu vực này chỉ chứng minh rõ được đó là Trục trung tâm Thăng Long của thời Lê Sơ-Mạc-Lê Trung Hưng và Nguyễn.

Đáng chú ý nữa là phát hiện tên nước Việt Nam trên cây bia đá ở ngôi chùa Gia Lộc, tại vùng hải đảo phía Đông thuộc Hải Phòng vào thế kỷ 18 cho thấy người xưa rất ý thức về vị trí và chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Một thông tin trong năm nữa được giới khảo cổ học trong nước và quốc tế đánh giá cao, đó là Viện Khảo cổ học đã có phòng nghiên cứu về khảo cổ học dưới nước. Đây là ngành khảo cổ học mới mẻ đối với Việt Nam, nên vấn đề kết hợp giữa nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa biển đảo dưới nước đang có nhiều thách thức./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục