90 năm công đoàn Việt Nam

b637f3a6f9e7-1564223634-15.jpg

Trong suốt 90 năm qua, dù trong thời kỳ kháng chiến hay xây dựng đổi mới đất nước, tổ chức công đoàn với sứ mệnh là đại diện của giai cấp công nhân đều có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày hôm nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng, đây cũng là lúc tổ chức công đoàn phải đối mặt với thách thức khó khăn hơn bao giờ hết để khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh đại diện giai cấp công nhân của mình.

Xuất hiện “đối thủ cạnh tranh”

Hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động vốn là những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thực thi các hiệp định tự do thế hệ mới dẫn đến việc xuất hiện các tổ chức công đoàn cạnh tranh, hay tính biến động của thị trường lao động, tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0… đang đặt ra nhiều thách thức ngày càng khó khăn, phức tạp đối với tổ chức công đoàn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn đại biểu Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt Đoàn đại biểu Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở ra đời theo cam kết của nước ta trong các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)… cũng đồng nghĩa với việc công đoàn Việt Nam sẽ có “đối thủ cạnh tranh” bình đẳng để giành được sự thừa nhận, tham gia của người lao động sau hơn 90 năm thành lập.

“Một loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết như: phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, kinh phí công đoàn bị chia sẻ, vấn đề đại diện thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, giá trị và phạm vi tác động của thỏa ước trong doanh nghiệp, vấn đề lãnh đạo và tổ chức đình công, vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động…,” ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Khi tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở ra đời theo cam kết của nước ta trong các hiệp định tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA… cũng đồng nghĩa với việc công đoàn Việt Nam sẽ có “đối thủ cạnh tranh.”

Bên cạnh đó, sự phong phú, tính biến động của thị trường lao động, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở cũng trở nên khó khăn hơn.

Ông Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng, các doanh nghiệp Nhà nước thu hẹp do cơ cấu lại nền kinh tế, tính bấp bênh của việc làm trong điều kiện nền kinh tế có quy mô nhỏ, sự đa dạng, phức tạp của các loại hình việc làm, sự chuyển dịch của lao động di cư… làm cho việc thu hút, tập hợp người lao động, thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức và hoạt động công đoàn khó khăn hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sẽ càng nhiều thách thức hơn khi các hình thức sử dụng lao động ngày càng phát triển đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu của thị trường, trong đó, đáng chú ý là các hình thức mới của quan hệ việc làm, như lao động cho thuê lại, lao động bán thời gian, lao động gia công tại nhà, lao động trong các doanh nghiệp công nghệ cao (như Uber, Grab…)

Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng Hàn Quốc và tổ chức công đoàn tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương, Hải Phòng).(Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể giữa chủ sử dụng Hàn Quốc và tổ chức công đoàn tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương, Hải Phòng).(Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Ông Ngọ Duy Hiểu thẳng thắng thừa nhận, nhiệm vụ của tổ chức nông đoàn ngày càng nặng nề, đi vào thực chất, quan hệ lao động trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng cùng phát triển với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

“Biên chế cán bộ công đoàn bị giảm sút, cùng với đó là việc đổi mới, tìm ra mô hình tổ chức phù hợp cho tổ chức Công đoàn trong tình hình mới là một thách thức rất lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong những năm tới,” ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Biến thách thức thành cơ hội

Trong những năm gần đây, các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước không chỉ có tốc độ phát triển cao mà còn phát triển chiều sâu, vì thế quy mô tổ chức công đoàn sẽ tăng nhanh ở khu vực ngoài quốc doanh. Đây cũng là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở cho tổ chức công đoàn. Thế nhưng, tổ chức công đoàn sẽ phải làm gì để có thể tập hợp, thu hút sự tham gia của người lao động.

Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đối thoại, lắng nghe tâm tư người lao động về. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)
Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng đối thoại, lắng nghe tâm tư người lao động về. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam cho rằng sau khi CPTPP, EVFTA có hiệu lực, người lao động làm việc trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Theo lộ trình, các tổ chức này có thể liên kết cùng nhau để thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn.

Nếu công đoàn không thay đổi nội dung và phương thức hoạt động để người lao động thấy tổ chức này thật sự mang lại quyền lợi, thật sự cần thiết thì tự bản thân người lao động sẽ rời xa và đến với tổ chức đại diện thực sự cho họ.

“Đây chính là khởi nguồn của sự liên kết của các tổ chức có cùng ngành nghề và đó chính là cơ hội cho tổ chức công đoàn phát triển theo hướng ngành nghề, theo đúng bản chất của tổ chức công đoàn,” ông Huy cho hay.

Phân tích kỹ hơn việc nắm bắt cơ hội phát triển tổ chức công đoàn, ông Huy chỉ ra rằng, chuyển sang nền kinh tế thị trường, quan hệ lao động thay đổi nhanh chóng, phức tạp, quan hệ chủ-thợ phân hóa sâu sắc, nhưng hoạt động công đoàn vẫn chậm thay đổi. Hoạt động công đoàn vẫn chưa xác định chức năng quan trọng đầu tiên là đại diện, bảo vệ người lao động. Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, giám sát việc thực thi pháp luật với người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trên cơ sở có lợi cho người lao động… chưa gắn với người lao động trong sự khác biệt về quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động.

“Nếu công đoàn không thay đổi nội dung và phương thức hoạt động để người lao động thấy tổ chức này thật sự mang lại quyền lợi, thật sự cần thiết thì tự bản thân người lao động sẽ rời xa và đến với tổ chức đại diện thực sự cho họ,” ông Huy nhấn mạnh.

Về đổi mới tư duy, tổ chức công đoàn đã đặt chức năng “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động” trong cơ chế thị trường là quan trọng nhất. Theo ông Huy, tổ chức công đoàn các cấp phải đặt người đoàn viên trong vị thế trung tâm, mọi hoạt động từ giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng, tổ chức phong trào thi đua đến hoạt động xã hội… phải mang tính thiết thực, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Sự đổi mới đó phải là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các hoạt động của công đoàn.

Cán bộ công đoàn Công ty TNHH công nghệ Hiệp Nguyên (khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) làm việc với Ban giám đốc công ty để phán ảnh những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. (Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN)
Cán bộ công đoàn Công ty TNHH công nghệ Hiệp Nguyên (khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên) làm việc với Ban giám đốc công ty để phán ảnh những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. (Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN)

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng tổ chức công đoàn sẽ phải đổi mới căn bản hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội của công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, đảm bảo quyền lợi gắn với trách nhiệm, từ đó thu hút, tập hợp và gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.

Tổ chức công đoàn các cấp phải đặt người đoàn viên trong vị thế trung tâm, mọi hoạt động phải mang tính thiết thực, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.   

Từ thực tế hoạt động tổ chức công đoàn tại địa phương, bà Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổ chức công đoàn phải triển khai nhiều giải pháp và nội dung hoạt động theo hướng đa dạng, chất lượng, hiệu quả nhưng thiết thực, bám sát thực tiễn đời sống, việc làm của người lao động. Những hoạt động lấy người lao động làm trung tâm mới có thể tạo được niềm tin đối với người lao động, nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức công đoàn.

Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động của tổ chức công đoàn mở ra nhiều cơ hội gia tăng số lượng công đoàn viên khi lực lượng lao động có quan hệ lao động ngày càng gia tăng. Thế nhưng, tổ chức công đoàn cũng phải đối mặt với thách thức lớn nhất chưa từng có, khi lần đầu tiên sẽ có “đối thủ cạnh tranh” sau 90 năm hoạt động.

Các chuyên gia cho rằng, cơ hội có thể chuyển thành thách thức nếu không có những biện pháp đổi mới phù hợp. Ngược lại, thách thức có thể chuyển hóa thành cơ hội nếu tổ chức công đoàn chủ động ứng phó thành công./.

Người lao động trực tiếp nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Người lao động trực tiếp nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)