923 triệu người "đứt bữa" do thiếu lương thực

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện thế giới có khoảng 923 triệu người thường xuyên bị "đứt bữa" do nguồn cung lương thực không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện thế giới có khoảng 923 triệu người thường xuyên bị "đứt bữa" do nguồn cung lương thực không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Chi phí sinh hoạt và dân số không ngừng gia tăng, hạn hán, thiên tai liên miên do biến đổi khí hậu đã gây sức ép không nhỏ đối với nguồn cung lương thực toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các loại cây lương thực biến đổi gien được coi là lời giải cho bài toán khan hiếm lương thực hiện nay.

Chính phủ các nước tại châu Âu, châu Phi và châu Á đang dần nới lỏng các quy định nhập khẩu đối với các loại lương thực biến đổi gien và dần dỡ bỏ những rào cản đối với việc cấm gieo trồng các giống này.

Đồng thời, những nước này cũng chú trọng đầu tư cho nghiên cứu các loại cây lương thực biến đổi gien khác, bất chấp thực tế là độ an toàn của các sản phẩm vẫn là một vấn đề chưa có kết luận.


Theo các chuyên gia, công nghệ sinh học cung cấp các công cụ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Trong khi độ an toàn của các sản phẩm biến đổi gien là điều các nhà khoa học còn phải tiếp tục theo dõi thì ưu điểm không thể phủ nhận của biến đổi gien là có thể giúp tạo ra các mùa vụ mới có khả năng kháng sâu bệnh nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Tương tự, vật nuôi cũng có thể thay đổi bằng cách cấy một gien từ động vật này vào ADN của động vật khác để cho ra những giống mới có chất lượng thịt, trứng hoàn hảo.

Nhiều nhà khoa học tin rằng những phương pháp như vậy là cần thiết cho một "cuộc cách mạng xanh thứ hai", sau cuộc cách mạng xanh thứ nhất được thực hiện giữa thế kỷ 20.


Cây trồng biến đổi gien hiện được trồng rộng rãi ở Canada, Argentina và Mỹ, nơi hầu hết các giống đậu tương, bông và ngày càng nhiều giống ngô được biến đổi gien để "miễn dịch" với sâu bệnh. Một loại đu đủ biến đổi gien có khả năng kháng virút hiện cũng đã được trồng thương mại ở Hawai và Trung Quốc.

Tính trên toàn thế giới, diện tích canh tác cây biến đổi gien tăng hơn 10% năm trong thập kỷ qua mặc dù đến năm 2007 mới chỉ hơn 114 hécta tại 22 nước. Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, một số nước châu Phi đã chấp nhận trồng đại trà hoặc nhập khẩu một số sản phẩm biến đổi gien như đậu tương, bông, ngô, tiêu xanh, khoai tây, lúa miến.

Trong khi đó, Việt Nam đang thúc đẩy một chương trình đầy tham vọng là phát triển các vụ mùa biến đổi gien thương mại để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục