Từng bước hồi sinh

A So - vùng "rốn" chất độc dioxin từng bước hồi sinh

A So, vùng đất được mệnh danh là "rốn" dioxin ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang từng bước được hồi sinh từ trong gian khó.
A So, vùng đất được mệnh danh là "rốn" dioxin ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang từng bước được hồi sinh từ trong gian khó.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thung lũng A So được đế quốc Mỹ sử dụng làm sân bay dã chiến và nơi chứa chất độc dioxin để đem rải hủy diệt môi trường tại các chiến trường Nam Việt Nam.

Trong vòng 10 năm (1961-1971) quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 170kg dioxin) xuống miền Nam, trong đó vùng đất A Lưới đã phải hứng chịu 432,812 lít (tương đương 11kg dioxin).

Chất độc da cam (dioxin) đã làm cho 4,8 triệu người dân Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người, những thế hệ sau là nạn nhân của di chứng chất độc da cam truyền lại.

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty tư vấn về môi trường Hatfield (Canada) và UB 10-80 của Việt Nam, lượng chất diệt cỏ, chất hóa học rải xuống A Lưới bằng 1/2 các chất hóa học mà quân Mỹ đã rải xuống Thừa Thiên-Huế.

Sân bay A So là một “điểm nóng” có hàm lượng tồn dư dioxin cao trong đất, làm ảnh hưởng đối với hệ sinh thái và con người sinh sống ở khu vực này.

Theo thông kê của Hội nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới, hiện toàn huyện có 4227 đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam (dioxin), riêng xã Đông Sơn (nơi có sân bay A So) có 61 người bị tàn tật, bại não, thần kinh, liệt chân tay liên quan đến chất độc dioxin. Đặc biệt trong đó có 27/157 trẻ em dưới 6 tuổi bị tàn tật và 243 người nghi bị nhiễm chất độc da cam.

38 năm sau giải phóng, từ 95 hộ ban đầu, đến nay xã Đông Sơn có 283 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Pakô, với 1.325 nhân khẩu, chia làm 6 thôn. Tất cả đều ở khá xa khu vực kho chất độc và sân bay A So cũ. Đi lên từ khó khăn, hiện nay Đông Sơn đã khai phá, đưa được 64ha đất vào trồng lúa nước, cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực.

Trước đây, đất đồi núi của Đông Sơn khó có thể trồng rừng, một phần do ảnh hưởng bởi chất dioxin. Mãi đến năm 2003, phong trào trồng rừng ở Đông Sơn mới lại bắt đầu và đến nay đã trồng được hơn 500 ha rừng kinh tế. Chăn nuôi cũng là một thế mạnh được bà con phát huy.

Hiện nay, Đông Sơn có gần 500 con bò, gần 200 con trâu và hơn 100 con dê, đứng vào hàng nhất, nhì của huyện A Lưới về chăn nuôi gia súc.

Hiện tại, một phần xung quanh sân bay A So đã được trồng cây bồ kết để ngăn cản người và súc vật vào tiếp cận sân bay. Gần đây nhất, thông qua sự tài trợ từ nhóm đối thoại Việt-Mỹ, tại đây đã được xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn xã Đông Sơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương xây dựng dự án Khu chứng tích chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam tại sân bay A so và đã giao Bộ tài nguyên và Môi trường (Ban chỉ đạo 33) chủ trì phối hợp với tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành khảo sát và xây dựng dự án.

Khu chứng tích là một tập hợp các khu chức năng và các khu hoạt động liên quan gồm khu di tích, chứng tích tái hiện lịch sử chiến tranh hóa học (sân bay A So), khu vực thiên nhiên bị tàn phá và vùng đối chứng, khu tổ hợp trung tâm (tại ngã ba Bốt Đỏ), trung tâm điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, với nguồn kinh phí xây dựng dự kiến trên 600 tỷ đồng.

Kỷ niệm 47 năm ngày chiến thắng A So (11/3/1966-11/3/2013) và 38 năm giải phóng miền Nam, địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, xã Đông sơn, huyện A Lưới được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 678/QĐ-BVHTTDL ngày 7/2/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khu di tích lịch sử chứng tích chiến tranh có diện tích khoảng 5ha nằm trong thung lũng A So thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa cho biết cùng với dự án xây dựng khu chứng tích chiến tranh tại sân bay A So và việc xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So không chỉ là một địa điểm để minh chứng về tội ác trong chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra tại Việt Nam mà còn nhằm tuyên truyền giới thiệu với khách tham quan du lịch trong và ngoài nước về mức độ tàn khốc, sự hủy diệt của chiến tranh hóa học.

Đây là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho địa phương sưu tầm, lưu giữ các mẫu vật, bệnh phẩm, cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, chăm sóc điều trị người phơi nhiễm, góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin và phòng chống nguy cơ gây ô nhiễm môi trường../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục