Abramovich thất bại cay đắng trong vụ Shevchenko

Shevchenko đã quyết định rời sân Stamford Bridge để xây dựng lại sự nghiệp của mình ở tuổi 33 bằng việc ký hợp đồng 2 năm với Dynamo Kiev.
Tiền đạo lừng danh một thời Shevchenko đã quyết định rời sân Stamford Bridge để xây dựng lại sự nghiệp của mình ở tuổi 33 bằng việc ký hợp đồng 2 năm với Dynamo Kiev.

Dynamo Kiev cũng chính là đội bóng đã nuôi dưỡng anh thành tài, đưa tên tuổi anh đến với các nền bóng đá lớn của châu Âu.

Thật khó tin rằng anh đã rời Stamford Bridge một cách lặng lẽ khi mà chỉ 3 năm về trước, hai nền bóng đá lớn của thế giới, Serie A và Premier League, đã bị chấn động bởi vụ chuyển nhượng mang tên anh. Với Chelsea, đây là bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử câu lạc bộ còn với bản thân Milan, sự ra đi của anh được xem là biểu hiện rõ nét và trực tiếp nhất cho sự thoái trào của một đế chế hùng mạnh.

Còn nhớ ngày Sheva hôn lên logo trên chiếc áo Chelsea sau khi chọc thủng lưới Liverpool bằng một pha dứt điểm đẳng cấp cao trong trận ra mắt tại Siêu Cúp Anh, người hâm mộ Milan đã phản ứng dữ dội trước hành động đó, cho rằng anh là kẻ dễ dàng quên đi tình xưa với đội bóng đã cho anh mọi thứ. Phản ứng ấy là bằng chứng cho thấy người Milan vẫn chưa thể làm quen với cuộc sống không Sheva.

Vụ chuyển nhượng Sheva đánh dấu nhiều cột mốc trong lịch sử Chelsea và Premier League. Với giá 30,8 triệu bảng, Chelsea đã một lần nữa khẳng định sự thống trị tuyệt đối của họ trên thị trường chuyển nhượng. Không chỉ có thế, với việc Sheva hưởng mức lương kỷ lục lúc bấy giờ là 121.000 bảng/tuần, Chelsea đã tạo ra một xu hướng mới trong cuộc tranh chấp chạy đua về lương.

Khi Abramovich can thiệp

Trước khi Sheva đặt chân đến Stamford Bridge, Chelsea đã thống trị hoàn toàn ở Premier League, phá vỡ thế song mã Manchester United - Arsenal đã tồn tại suốt gần thập kỷ trước đó để bước lên đỉnh cao nước Anh 2 mùa liên tiếp. Nhưng từ khi có Sheva, Chelsea trắng tay ở Premier League, chỉ đoạt các cúp thứ yếu như Cúp FA, Cúp Carling.

Thất bại của Sheva tất nhiên đến từ chính bản thân anh, ở tuổi "tam tuần" đã không thể thích nghi với thứ bóng đá thiên về thể lực, cơ bắp và tốc độ của Premier League (chỉ ghi vỏn vẹn 9 bàn từ 48 trận). Nhưng sâu xa hơn, mọi sai lầm trong thương vụ thất bại lịch sử này của Chelsea đều hướng về ông chủ người Nga Roman Abramovich.

Trong những năm đầu tiên ở Stamford Bridge, Abramovich đã thành công dù ông chỉ là một người mới toanh trong môi trường bóng đá. Nhưng oái ăm thay, từ khi ông am hiểu thế giới sân cỏ hơn, Chelsea cứ thế thất bại.

Những nguồn tin từ nội bộ Chelsea cho rằng ông đã can thiệp vào lĩnh vực chuyển nhượng, đã "góp ý kiến" về mặt chiến thuật với Jose Mourinho trong những trận cuối cùng của huấn luyện viên người Bồ ở Stamford Bridge.

Abramovich đã không hề che giấu (dù không trực tiếp nói ra) Sheva là thương vụ của riêng ông, mà hành động nhảy cẫng lên vui sướng của ông mỗi khi chứng khiến tiền đạo người Ukraine ghi bàn là bằng chứng sống động nhất.

Về bề ngoài, Abramovich dường như hợp lý khi bổ sung một chân sút đẳng cấp cao cho Chelsea, một Quả bóng vàng, một cầu thủ từng đăng quang tại Champions League - danh hiệu còn sót lại của Chelsea. Nhưng vấn đề là ý định mua Sheva không xuất phát từ bản thân Jose Mourinho, người trước đó được trao quyền hạn tuyệt đối trong lĩnh vực chuyên môn.

Mourinho thực sự không thích mẫu tiền đạo như Sheva, nhất là khi anh đã ở tuổi 30. Một cầu thủ khỏe, sức cán lướt khủng khiếp, không ngừng săn bóng trong chân hậu vệ đối phương như Drogba mới là chân sút lý tưởng trong sơ đồ chiến thuật của Mourinho. Nhưng vì ông chủ đã trực tiếp can thiệp, Mourinho đã không thể không tuân theo, để rồi cách sử dụng có phần gượng ép của ông đã gây tai hại cho Chelsea lẫn Sheva.

Sheva có thể tìm lại chút ánh hào quang thủa nào khi anh trở lại mái nhà xưa Dynamo Kiev. Nhưng có lẽ, Abramovich sẽ không bao giờ thực hiện "phi vụ Sheva" thứ 2. Bài học ấy quá đau đớn để có thể quên đi một cách dễ dàng./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục