Ác cảm giữa 2 bờ Đại Tây Dương và kế hoạch cho trật tự thế giới mới

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng nước Đức coi mối ác cảm hiện nay giữa hai bờ Đại Tây Dương là cơ hội lịch sử để xác định lại vai trò của châu Âu.
Ác cảm giữa 2 bờ Đại Tây Dương và kế hoạch cho trật tự thế giới mới ảnh 1Ngoại trưởng Đức Heiko Maas. (Nguồn: dw.com)

Trang mạng global.handelsblatt.com cho biết quan hệ của châu Âu với Mỹ đã thay đổi ngay từ trước khi Donald Trump và những dòng tweet mang tính khiêu khích của ông trên Twitter xuất hiện.

Trong một bài viết mới đây đăng trên trang mạng global.handelsblatt.com, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng nước Đức coi mối ác cảm hiện nay giữa hai bờ Đại Tây Dương là cơ hội lịch sử để xác định lại vai trò của châu Âu.

Nội dung bài viết như sau:

Gần đây, có người hỏi Henry Kissinger rằng liệu Donald Trump có thể vô tình trở thành lực đẩy cho sự ra đời của một trật tự mới ở phương Tây hay không. Kissinger trả lời: Thật mỉa mai là ông ta có thể.

Thay vì cứ phải chạy theo những ý tưởng thay đổi liên tục của một tổng thống Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương, chúng ta nên tán thành ý kiến cho rằng đây có thể là sự khởi đầu của một điều gì đó mới mẻ.

Chúng ta không thể cứ mãi nghe ngóng những điều đang diễn ra hàng ngày bên kia Đại Tây Dương chỉ thông qua Twitter. Nếu chỉ chăm chăm để ý tới Phòng Bầu dục, chúng ta sẽ quên mất một thực tế là nước Mỹ không chỉ có Donald Trump.

Mỹ và châu Âu đã "xa mặt cách lòng" từ nhiều năm qua. Những điểm tương đồng về giá trị và lợi ích, vốn định hình mối quan hệ giữa hai bên trong suốt 2 thế hệ qua, đang giảm dần. Nhân tố hàn gắn những mâu thuẫn Đông-Tây nay đã thành "dĩ vãng."

Những thay đổi này đã bắt đầu từ trước khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, và sẽ còn tiếp tục kể cả khi ông ta hết nhiệm kỳ tổng thống.

Đó là lý do vì sao tôi (Heiko Mass) thấy hoài nghi khi một số nhà nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương khuyên chúng tôi nên ngồi chờ cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống này của Trump.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, quan hệ đối tác với Mỹ đã đem lại cho nước Đức một giai đoạn hòa bình và an ninh. Nước Mỹ đã trở thành miền đất hứa. Tuy nhiên, giờ là lúc cần đánh giá lại mối quan hệ đối tác này, không phải là để hủy bỏ, mà là để làm mới và duy trì nó.

Một châu Âu đoàn kết

Chúng ta hãy sử dụng khái niệm “quan hệ đối tác cân bằng” cho kế hoạch của chúng ta, trong đó chúng ta chia sẻ phần trách nhiệm bình đẳng. Khi nước Mỹ vượt qua giới hạn, chúng ta sẽ tạo ra đối trọng.

Khi nước Mỹ thoái lui, chúng ta sẽ lấp chỗ trống, và qua đó chúng ta sẽ bắt đầu một cuộc đối thoại mới.

Nếu chỉ làm một mình, chúng ta sẽ thất bại trong kế hoạch này. Mục đích chính trong chính sách đối ngoại của chúng ta là xây dựng một châu Âu hùng mạnh, có chủ quyền.

Sự cân bằng với Mỹ chỉ có được khi chúng ta đoàn kết với Pháp và các quốc gia châu Âu khác. Liên minh châu Âu (EU) phải trở thành nền tảng của trật tự quốc tế, là đối tác của tất cả những ai cam kết xây dựng và bảo vệ nó. Đó là sứ mệnh lịch sử của châu Âu.

“Châu Âu đoàn kết” có nghĩa là chúng ta hành động một cách có chủ quyền trong những vấn đề mà các quốc gia đơn lẻ không thể huy động được sức mạnh, nhưng một châu Âu đoàn kết lại có thể làm được.

Chúng ta cũng không co cụm và tách rời các khu vực khác trên thế giới. Chúng ta không yêu cầu lòng trung thành. Châu Âu được hình thành trên nền tảng pháp quyền, tôn trọng kẻ yếu, và kinh nghiệm cho thấy hợp tác quốc tế không phải là cuộc chơi có tổng bằng không.

"Quan hệ đối tác cân bằng" có nghĩa là chúng ta - những nước châu Âu - gánh vác phần trách nhiệm công bằng. An ninh là vấn đề sống còn trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Dù là một đối tác trong NATO hay trong cuộc chiến chống khủng bố, chúng ta đều cần nước Mỹ. Chúng ta phải rút ra kết luận đúng đắn từ điều này.

Tăng cường sức mạnh của châu Âu, một phần của liên minh Bắc Đại Tây Dương, là lợi ích của chúng ta. Không phải vì Donald Trump luôn đặt ra vấn đề chia sẻ gánh nặng trách nhiệm, mà là vì chúng ta không thể dựa vào Washingon như trước nữa.

Nếu chúng ta gánh vác thêm trách nhiệm, Mỹ và châu Âu có thể tiếp tục dựa vào nhau trong tương lai.

Chính phủ Đức đang đi theo con đường này. Thay đổi trong chi tiêu quốc phòng là một ví dụ. Điều quan trọng bây giờ là xây dựng từng bước liên minh quốc phòng và an ninh châu Âu, như là một phần của an ninh xuyên Đại Tây Dương, và là một dự án riêng của châu Âu cho tương lai. Từ góc nhìn này, sẽ thấy tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh là việc có ý nghĩa.

[Trung Quốc và Nga có trở thành "người bạn tốt nhất và thân mật nhất"?]

Vạch trần những thông tin giả

Một điểm quan trọng khác: Cam kết của châu Âu phải được thực hiện qua hoạt động ngoại giao và quản lý khủng hoảng. Ở Trung Đông, vùng sừng châu Phi và khu vực Sahel, chúng ta cũng đang sử dụng các biện pháp phi quân sự để chống lại sự sụp đổ của các chính phủ.

Theo tôi, đây là những ví dụ cho quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương, và là một lựa chọn cho sự phối hợp tham gia các cuộc khủng hoảng ở các nơi khác. Và khi Mỹ vượt quá giới hạn, chúng ta - các nước châu Âu - phải hình thành lực lượng đối trọng, tuy có thể khó khăn, nhưng đó mới chính là cân bằng.

Bắt đầu bằng việc vạch trần các thông tin giả. Kiểu như thế này: nếu cán cân tài khoản vãng lai của châu Âu và Mỹ không chỉ bao gồm thương mại hàng hóa, vậy thì không phải là Mỹ đang bị thâm hụt, mà đó chính là châu Âu.

Lý do là hàng tỷ USD lợi nhuận đang được các chi nhánh của các hãng Internet khổng lồ như Apple, Facebook và Google chuyển về Mỹ hàng năm. Vì thế, khi chúng ta nói về luật bình đẳng, chúng ta cũng phải nói về việc đánh thuế bình đằng những khoản lợi nhuận nêu trên.

Điều quan trong nữa là phải đính chính thông tin vì chúng có thể nhanh chóng dẫn đến các chính sách sai lầm.

Là người châu Âu, chúng ta đã chỉ rõ cho người Mỹ thấy rằng chúng ta coi việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran là một sai lầm.

Hiện giờ, những biện pháp trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iran đã được tái áp dụng. Trong tình hình này, vấn đề có tính quan trọng chiến lược là chúng ta phải cho Washington thấy rõ rằng chúng ta muốn cùng nhau giải quyết.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ là chúng ta sẽ không để cho Mỹ "xỏ mũi" và gây thiệt hại cho chúng ta. Điều cần làm là bảo vệ một cách hợp pháp các công ty châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt.

Vì thế, chúng cần ta tăng cường sự tự chủ của châu Âu qua việc thành lập các kênh thanh toán độc lập với Mỹ, một quỹ tiền tệ châu Âu và một hệ thống thanh toán SWIFT độc lập.

"Quan hệ đối tác cân bằng" cũng có nghĩa là châu Âu cần tham gia gánh vác nhiều hơn khi Mỹ rút lui. Tất nhiên, chúng ta không thể lấp đầy hết các khoảng trống. Nhưng nếu cùng với các nước khác, chúng ta có thể giảm thiểu được những hậu quả tai hại của cách suy nghĩ cho rằng thắng lợi được đo bằng những đồng USD.

Chúng ta đang nỗ lực vì một liên minh đa phương, một hệ thống các đối tác - những người cũng giống như chúng ta cam kết tuân thủ luật lệ và cạnh tranh bình đẳng. Tôi muốn xây dựng một hiệp hội các quốc gia tin tưởng vào các lợi ích của chủ nghĩa đa phương, tin vào hợp tác quốc tế và pháp quyền.

Hiệp hội đó không nhằm chống lại ai, nhưng có mục đích hỗ trợ và thúc đẩy một trật tự đa phương toàn cầu, mở rộng cửa - mà trước hết là đối với Mỹ - nhằm giải quyết các vấn đề mà các nước đơn lẻ không thể tự giải quyết, từ biến đổi khí hậu đến thương mại bình đẳng.

Đừng bỏ rơi nước Mỹ

Điểm cuối cùng nhưng cơ bản: Chúng ta phải bắt đầu một cuộc đối thoại mới với những người ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương. Không chỉ ở New York, Washington hay Los Angeles, mà cả ở miền trung nước Mỹ, nơi có khoảng cách xa hơn với châu Âu.

Bắt đầu từ tháng 10 này, chúng tôi sẽ tổ chức “Năm nước Đức ở Mỹ” lần đầu tiên, không phải để kỷ niệm tình hữu nghị Đức-Mỹ theo kiểu "thương nhớ cố hương" mà để tạo điều kiện cho các hoạt động giao lưu, giúp mọi người thấy rằng chúng ta vẫn hiểu và gần gũi nhau. Giao lưu sẽ tạo ra những cách nhìn nhận mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục