AC Milan bổ nhiệm Gennaro Gattuso: Cơn túng quẫn màu đỏ đen

Quyết định bổ nhiệm Gennaro Gattuso làm huấn luyện viên tạm quyền của AC Milan thay thế Vincenzo Montella bị sa thải thực chất chỉ là quyết định trong cơn túng quẫn của bộ sậu Trung Quốc.
AC Milan bổ nhiệm Gennaro Gattuso: Cơn túng quẫn màu đỏ đen ảnh 1Huấn luyện viên tạm quyền của AC Milan Gennaro Gattuso. (Nguồn: mirror.co.uk)

Quyết định bổ nhiệm Gennaro Gattuso làm huấn luyện viên tạm quyền của AC Milan thay thế Vincenzo Montella bị sa thải thực chất chỉ là quyết định trong cơn túng quẫn của bộ sậu Trung Quốc, những người đang sở hữu câu lạc bộ áo màu đỏ đen.

Montella đã bị sa thải vì thành tích tồi tệ trong mùa giải này. Milan chỉ giành được 20 điểm/14 trận, Rossoneri thua tất cả những đối thủ đồng cân đồng lạng, và không tạo ra bất kỳ một dấu ấn đáng kể nào. Họ không cho thấy bộ mặt mà người hâm mộ lẫn giới chuyên môn kỳ vọng về một đội bóng đã chi ra tới 200 triệu euro để tân trang trong mùa Hè.

Montella đã làm rất tốt trong mùa giải trước, khi Milan vẫn còn sở hữu lực lượng yếu. Ông đưa Rossoneri giành Siêu cúp Italia sau khi đánh bại Juventus trên chấm luân lưu, đồng thời chơi cực hay trong những trận đại chiến với đối thủ lớn. Nhưng việc Milan bỗng thay đổi quá nhanh chỉ sau một mùa hè đã khiến mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của Montella, khi áp lực quá lớn bỗng đổ ập xuống, việc bị gục ngã là dễ hiểu.

Trách nhiệm trong thất bại mùa này của Milan thuộc hoàn toàn về Montella? Câu trả lời là không. Giới quan sát cần phải hướng cái nhìn tới những người đã đặt áp lực lên vai Montella. Đó dĩ nhiên không thể là... cổ động viên, bộ sậu của Milan là những người phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn hiện tại.


[Cận cảnh Higuain tỏa sáng giúp Juventus đánh bại AC Milan]

Không một câu lạc bộ nào từng thành công với kiểu mua bán cả một đội hình mới rồi ném vào tay huấn luyện viên trưởng. Milan rõ ràng không phải ngoại lệ, nhất là khi kế hoạch mua sắm của Milan còn bị thay đổi hoàn toàn vào giữa chừng sau khi bất ngờ có được Leonardo Bonucci từ Juventus.

Mới đây, UEFA vừa bác kế hoạch “vượt rào” luật công bằng tài chính của Milan vì hoài nghi tính khả thi của chúng. Cụ thể, kế hoạch tài chính tự nguyện của Milan không thuyết phục được UEFA rằng chúng hợp lý, và đủ để cân đối thu chi của đội bóng áo đỏ đen. Nếu kế hoạch này không được thông qua, Milan sẽ không chỉ bị phạt tiền mà còn bị cấm tham dự cúp châu Âu.

Đứng trước tình trạng căng thẳng này, những ông chủ của Milan đang tính... chuồn khỏi San Siro. Doanh nhân người Hong Kong, Li YongHong đã vay 300 triệu euro của quỹ Elliot ở Mỹ để có thể thực hiện thương vụ mua Milan trị giá 740 triệu euro.

Một canh bạc lớn nhất đã được những người Trung Quốc tự tạo ra khi dồn tiền mua Milan cũng như tân trang câu lạc bộ để rồi khi Milan có nguy cơ không thể tham dự Champions League đồng nghĩa với việc thu hồi vốn, họ quyết định tháo chạy vì... vỡ kế hoạch.

AC Milan bổ nhiệm Gennaro Gattuso: Cơn túng quẫn màu đỏ đen ảnh 2Huấn luyện viên Vincenzo Montella. (Nguồn: Getty)

Tờ New York Times mới đây đã có một siêu bài viết vạch trần bộ mặt của những ông chủ Milan. Phóng viên của tờ báo uy tín bậc nhất thế giới này đã cất công tới Trung Quốc, tìm kiếm trụ sở hoạt động của công ty Sport Investmen Lux của Li Yong Hong tại thành phố Quảng Đông. Dựa theo những tài liệu về trôi nổi trên Internet, thì Li sinh năm 1969, không rõ quê quán, là thương nhân có tài sản khoảng 500 triệu euro, có khoảng 28% quyền sở hữu của toàn nhà 48 tầng có tên “New China Building” tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Song không người Trung Quốc nào biết Li Yong Hong là ai. Li nói với Milan rằng mình sở hữu một công ty sản xuất phốt phát Trung Quốc, song trên thực tế công ty mà Li nói lại thuộc về một quỹ cho vay tại Quảng Đông với những ông chủ thay đổi liên tục trong vài năm qua (không ai trong số này là Li cả dù những cái tên rất giống nhau).

Li Shangbing, một trong những “ông chủ” của quỹ này thừa nhận mình “không biết Li Yong Hong” là ai thông qua một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Những ông chủ khác của quỹ này trong vài năm trở lại đây thường xuyên... bán cả công ty cho nhau mà không lấy tiền, một chiêu trò lách luật để gian lận sổ sách giấy tờ ở mức cơ bản nhất.

Li Shangbing dù không biết Li Yong Hong là ai nhưng cả hai đều có mối liên hệ mật thiết với Guangdong Lion (một trong số những công ty miễn phí được đề cập ở trên). Công ty này đã... biến mất theo án phạt từ tòa án Trung Quốc vào hồi tháng Tư sau khi không thể thanh toán những khoản nợ.

Milan sau này nói rằng Li Yong Hong chỉ là “nạn nhân” của một vụ lừa. Li Shangbing cũng là người đã lập ra hai công ty tên gần giống nhau “Công ty quản lý thể thao Sino-Europe” và “Công ty đầu tư thể thao Sino-Europe” chỉ trước và sau khi bán đi Guangdong Lion có vài ngày. Hai công ty nói trên đều đang sở hữu một phần cổ phần của Milan.

Những mối quan hệ rối rắm và rất đáng nghi ngờ này đã khiến tờ Forbes đặt câu hỏi “Liệu Milan sẽ lại bị bán?” Đây là viễn cảnh rất dễ xảy ra.

Milan trong mắt Li Yong Hong hay Li Shangbing có lẽ không quá kháng Guangdong Lion là bao. Nếu điều này xảy ra, thật khó để hiểu số phận của Milan, một trong những tượng đài vĩ đại nhất của bóng đá lục địa già sẽ ra sao.

Sa thải Montella, bổ nhiệm Gattuso có thể mới chỉ là cơn gió lạnh buốt trước khi cơn bão đổ tới mà thôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục