AC Milan cần một cuộc đại cách mạng để có thể hồi sinh

Mỗi một tuần trôi qua, những kỷ lục lại xướng lên cái tên Milan. Nhưng trái với thời kỳ hoàng kim, đó không hề là những con số tích cực, mà ngược lại là những thống kê tệ hại.
AC Milan cần một cuộc đại cách mạng để có thể hồi sinh ảnh 1Thời kỳ hoàng kim của Chủ tịch Silvio Berlusconi ở AC Milan đã qua và bây giờ đã đến lúc ông cần phải ra đi. (Ảnh: Getty Images)

Mỗi một tuần trôi qua, những kỷ lục lại xướng lên cái tên Milan. Nhưng trái với thời kỳ hoàng kim, đó không hề là những con số tích cực, mà ngược lại là những thống kê tệ hại.

Tuần vừa rồi, là “kỷ lục” không thắng trong tháng Một được lặp lại sau 74 năm, còn tuần này, không ai biết sẽ thêm điều gì nữa xảy đến. Những gì Milan cần bây giờ không phải là giải pháp, mà phải là một cuộc đại cách mạng mà ở đó chủ tịch Silvio Berlusconi và Adriano Galliani là những cái tên phải ra đi.

Năm 1986, doanh nhân Silvio Berlusconi đến với Milan khi ấy đã thay đổi toàn bộ bộ máy hoạt động của đội bóng áo sọc đỏ đen, không nhân từ, dứt khoát, và Milan thành công. Đội chủ sân San Siro trước khi Berlusconi đến vẫn đang trong quá trình tìm lại mình sau án phạt dàn xếp tỷ số trước đó 4 năm, và phải sống nhờ những cái tên cũ. Huấn luyện viên trưởng khi ấy của Milan là huyền thoại người Thụy Điển Nils Liedholm, trong đội hình vẫn còn những cái tên đẳng cấp nhưng già cỗi như Paolo Rossi, hay các ngoại binh chất lượng khá như Ray Wilkins hay Mark Hateley.

Những gì Berlusconi và Galliani thay đổi khi đó là kinh điển. Vẫn phát biểu trước báo giới rằng tôn trọng quá khứ và các cựu binh, nhưng chỉ đúng một năm sau đó, không ai thấy Liedholm và Paolo Rossi đâu nữa. Những gì sau đó đã là lịch sử, tân binh đầu tiên đến với San Siro là Roberto Donadoni đã mở ra một thời kì đầy ắp những vinh quang trong suốt quãng thời gian gần 30 năm trước khi Milan suy sụp nặng nề như hiện tại.

Berlusconi-Galliani là động cơ chính cho thành công của Milan trong quá khứ với nguồn tiền vô tận cùng ảnh hưởng chính trị rõ nét, và bộ đôi này cũng chính là nguyên nhân khiến Milan xuống dốc như hiện tại. Đảng Forza Italia của Berlusconi thất thế trên chính trường, cùng những lao đao về mặt tài chính đã biến Milan hùng mạnh trong quá khứ trở thành một đội bóng chỉ đi săn các bản hợp đồng miễn phí.

Tệ hơn trên băng ghế chỉ đạo, cả hai biến những người hùng trong quá khứ của Milan từ Leonardo, Clarence Seedorf và hiện tại là Filippo Inzaghi trở thành những kẻ thất bại. Cho dù xuất sắc đến mấy thì không một ai trong số những cái tên trẻ tuổi đó có thể gánh vác Milan vào thời điểm hiện tại.

Quá đơn giản để nhìn ra một sự thật rằng, cả Berlusconi lẫn Galliani đều không còn khả năng cung cấp thêm chất xám để phát triển Milan. Những gì mà bộ đôi này làm vào mỗi mùa hè đơn giản là tìm ra một cái tên từng khoác áo Milan trong thời kì hoàng kim và vứt lên chiếc ghế Huấn luyện viên trưởng để làm hài lòng cổ động viên trong chốc lát trước khi nhấn chìm người đó trong một đại dương của những áp lực cả từ tiền bạc lẫn khát vọng.

Milan cần một cuộc đại cách mạng giống như cách đây gần 30 năm. Cần một ông chủ mới, quét sạch những giá trị cũ kỹ, và bơm vào đó tiền cũng như nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, Barbara Berlusconi đang là ứng cử viên sáng giá nhất trong số những cái tên có thể.

Con gái của ngài cựu thủ tướng Italy đã chứng tỏ bản thân không phải là một tay vừa khi từng công khai chỉ trích đòi hạ bệ Galliani vào mùa giải trước. Những lý do và Barbara đưa ra vào thời điểm ấy hoàn toàn thuyết phục, nhưng không mấy ai ủng hộ cô vì những nguyên nhân ngoài chuyên môn, đa phần trong số đó là những nhận định cảm tính vì một lý do rất đơn giản, Barbara… là phụ nữ.

Nếu Barbara lên nắm quyền, và đẩy được cả ông bố Silvio lẫn Adriano Galliani ra khỏi bộ máy lãnh đạo, sẽ có rất nhiều niềm tin được khôi phục ở San Siro. Hai huyền thoại bất tử của Rossoneri là Franco Baresi và Paolo Maldini đều mâu thuẫn nặng nề với cách quản lý Milan của Galliani sẽ trở lại để tiếp quản và xây dựng nên một quân đoàn đỏ đen phiên bản mới.

Tất cả những cái tên hưởng lương cao nhưng không hiệu quả như Philippe Mexes, De Jong, Muntari... sẽ bị đẩy đi để nhường chỗ cho những cái tên từ lò đào tạo trẻ. Những dự án xây sân mới cùng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được khôi phục, với hình ảnh của Barbara. Đó là tiền đề để Milan hướng đến một cuộc phục sinh.

Rossoneri liệu có đủ can đảm để trao cả vận mệnh vào tay của Barbara, một phụ nữ, hay cứ tiếp tục sống lay lắt nhờ quá khứ như hiện tại, để rồi một ngày nào đó cái tên Milan bất chợt không còn... vĩ đại nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục