ACD góp phần to lớn trong thúc đẩy hợp tác các nước châu Á

Thủ tướng Thái Lan đề cao tiềm năng to lớn của ACD trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước châu Á, duy trì những giá trị cốt lõi và bổ sung cho những cơ chế hợp tác khu vực và tiểu khu vực đã có.
ACD góp phần to lớn trong thúc đẩy hợp tác các nước châu Á ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Sơn Nam/TTXVN)

Ngày 10/3, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) lần thứ 14 với sự tham dự của các bộ trưởng và trưởng đoàn của 34 quốc gia châu Á, trong đó có 18 đoàn cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đề cao tiềm năng to lớn của ACD trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước châu Á, đồng thời bày tỏ hy vọng Hội nghị Bộ trưởng lần này sẽ tạo động lực mới cho ACD tiến về phía trước, mang lại lợi ích đích thực cho mọi dân tộc trong khu vực.

Với chủ đề “ACD - Con đường phía trước,” hội nghị nhấn mạnh ACD cần duy trì những giá trị cốt lõi và bổ sung cho những cơ chế hợp tác khu vực và tiểu khu vực đã có, đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển dài hạn của ACD cũng như những biện pháp nâng cao vai trò và hiệu quả của khuôn khổ hợp tác này.

Các Trưởng đoàn nhất trí cùng xây dựng Tầm nhìn ACD về Hợp tác châu Á đến năm 2030, trong đó làm sâu sắc hơn Lộ trình Kết nối khu vực ACD nhằm thúc đẩy kết nối hạ tầng phần cứng và phần mềm, phát huy tiềm năng và vai trò trung tâm của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu.

Các Trưởng đoàn cũng nhất trí rà soát và cơ cấu lại 20 lĩnh vực hợp tác của ACD hiện nay thành sáu trụ cột gồm kết nối; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; mối liên hệ giữa an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước; văn hóa và du lịch; thúc đẩy các cách tiếp cận đối với tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Hội nghị ghi nhận đề xuất lập Ban Thư ký thường trực ACD để tăng cường hiệu quả và vai trò của Ban Thư ký lâm thời hiện nay và nhất trí giao Nhóm làm việc cao cấp nghiên cứu báo cáo Lãnh đạo cấp cao ACD xem xét quyết định.

Các Trưởng đoàn cũng thảo luận và đưa ra một số đề xuất về việc tăng cường hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân, cũng như hợp tác giáo dục giữa các nước thành viên ACD. Hội nghị cũng đã kết nạp Nepal là thành viên thứ 34 của diễn đàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Đình Quý nhấn mạnh vai trò của ACD trong việc tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên châu Á cùng đối phó với các thách thức phát triển chung, đề xuất các kiến nghị nhằm duy trì các giá trị cốt lõi và phát huy vai trò diễn đàn hợp tác liên Á của ACD; nhấn mạnh ưu tiên hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước-năng lượng-lương thực; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác tiểu vùng trong thúc đẩy kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng ACD, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Baranh, Saudi Arabia, Trung Quốc và nước chủ nhà Thái Lan.

Hội nghị cấp cao ACD lần thứ 2 dự kiến sẽ được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào cuối năm nay. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất sẽ đăng cai Hội nghị Bộ trưởng ACD lần thứ 15 vào năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục