ADB: Cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy kinh tế

Tại Báo cáo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ADB cho biết GDP của Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ thực chỉ tăng trưởng 4,5% cho thấy có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Dựa vào những yếu tố đó ADB đã hạ dự báo GDP từ 5,7% (từ 6 tháng trước) xuống còn 5,2% trong năm 2013 và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển trong năm 2014.
Trong báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ vào khoảng 5,2%, lạm phát trung bình năm nay sẽ khoảng 7,5%. Ngoài ra, ADB cũng thúc giục Việt Nam cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước một cách có chọn lọc để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 5,2%

Tại Báo cáo tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, ADB cho biết GDP của Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ thực chỉ tăng trưởng 4,5% cho thấy có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Dựa vào những yếu tố đó ADB đã hạ dự báo GDP từ 5,7% (từ 6 tháng trước) xuống còn 5,2% trong năm 2013 và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các nền kinh tế công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển trong năm 2014.

Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam cho biết, để đưa ra kết quả trên, ADB đã có cuộc khảo sát nhiều đối tượng doanh nghiệp khác nhau như doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, rồi thống kê về thị trường lao động... và xem xét góc độ chi tiêu của Chính phủ, từ đó ADB mới cân đối để đưa ra kết quả trên.

Còn ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc Gia ADB tại Việt Nam nhận định, khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7-8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện thành công các cải cách cơ cấu và cải thiện môi trường kinh doanh một cách toàn diện hơn.

Báo cáo cũng dự kiến thặng dư thương mại sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỷ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm nay trước khi giảm nhẹ trong năm 2014 do nhập khẩu tăng tốc song song với tăng trưởng GDP.

ADB cũng dự kiến lạm phát trung bình năm nay sẽ khoảng 7,5%, thấp hơn so với dự báo trước đây do cầu nội địa thấp hơn dự báo. Mức dự báo này được đưa ra với giả định rằng các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các kích thích chính sách được kiểm soát.

Nợ xấu vẫn đang là ẩn số

Theo đánh giá của ADB, sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt.

Về vấn đề này, vào tháng 1/2013 Chính phủ đã công bố một gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất, hoãn nộp phí sử dụng đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp tinh giản quy trình cấp giấy phép xây dựng.

Đánh giá về gói hỗ trợ này, ông Mellor cho rằng: “Giá bất động sản tiếp tục đi xuống ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc giá bất động sản đi xuống đã tác động tới lĩnh vực tài chính, gây ảnh hưởng tới các khoản vay và làm giảm giá trị tài sản. Gói hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ đưa ra là không đủ lớn để thị trường bất động sản phục hồi mà chỉ góp phần hỗ trợ an sinh xã hội."

Lãnh đạo ADB cũng cho biết, trong thời gian qua nợ xấu của ngân hàng tăng lên nhanh cũng là do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã thực hiện nhiều khoản đầu tư kém hiệu quả, chính vì vậy con số nợ xấu đến thời điểm này vẫn đang là ẩn số.

Hồi đầu năm ngoái các ngân hàng thương mại báo cáo con số nợ xấu ước tính vào khoảng 4,8% của tổng số dư nợ, nhưng theo các kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tính đến giữa năm là vào khoảng 8,8%. Sau đó, cũng theo Ngân hàng Nhà nước, con số này giảm xuống còn 6,0% vào tháng 2/2013. Còn các nhà phân tích độc lập ước tính rằng tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế có thể ở mức hai con số.

Tháng 3/2012 Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách nhằm tăng cường hệ thống ngân hàng thông qua sáp nhập, tái cấp vốn, áp dụng các chuẩn mực an toàn quốc tế, và cải thiện công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Một số ngân hàng gặp khó khăn về tài chính đã được sáp nhập, và các cơ quan chức năng đã công bố thêm thông tin về sức khỏe của hệ thống ngân hàng.

"Tuy nhiên, tiến bộ trong việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng hay giải quyết nợ xấu rất hạn chế. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng giảm xuống còn 13,6% trong tháng 1/2013 so với 14,6% trong tháng 4/2012. Mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức sàn 9% theo quy định của cơ quan quản lý, song trạng thái vốn của các ngân hàng có thể yếu hơn so với báo cáo nếu họ đánh giá chưa đầy đủ mức độ nợ xấu và không trích lập đủ dự phòng." bản báo cáo nêu rõ.

Nhận thức rõ về điều này, Ngân hàng Nhà nước dự định thành lập một Công ty Quản lý Tài sản để mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại. ADB cho rằng, việc đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của kế hoạch này, cũng như một quy trình định giá tài sản minh bạch và một hành lang pháp lý về phá sản với năng lực xử lý nợ xấu được cải thiện.

Cạnh tranh trong FDI

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế ADB cũng cho rằng, bất chấp những vấn đề còn tồn tại, Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Điều này được minh chứng bởi xu hướng gia tăng nói chung của FDI trong 10 năm qua, trong đó có sự gia tăng của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh giành FDI ngày càng tăng trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là cạnh tranh đến từ Indonesia.
 
Ông Dominic Mellor cho biết: “Chỉ số xếp hạng cạnh tranh toàn cầu cho một số tiêu chí như ổn định vĩ mô, cơ sở hạ tầng và giáo dục của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Trong khi cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng khó khăn hơn, do đó Việt Nam cần có những cải cách hiệu quả. Nếu không cẩn trọng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể rời khỏi Việt Nam.”

Bên cạnh đó, lĩnh vực ngân hàng cũng cần phải được chú trọng và quan tâm nhiều hơn nữa không chỉ đối với dài hạn mà cả ngắn hạn vì nợ xấu cao thì khó có thể tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, ông Mellor cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Nên chọn một số doanh nghiệp nhà nước để tái cơ cấu, qua đó tạo đà cho cả quá trình. Việc lựa chọn có thể xác định bằng cách xác định ngành nào, lĩnh vực nào quan trọng mà các doanh nghiệp nhà nước vẫn duy trì vai trò qua đó hỗ trợ tái cơ cấu./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục