ADB hỗ trợ Thừa Thiên-Huế phát triển đô thị loại II - đô thị xanh

Dự án hạ tầng kỹ thuật "Chương trình phát triển các đô thị loại II - đô thị xanh" được thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên-Huế).
ADB hỗ trợ Thừa Thiên-Huế phát triển đô thị loại II - đô thị xanh ảnh 1Di tích Ngọ Môn.  (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 10/3, tại thành phố Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có buổi làm việc với bà Sofia, Trưởng đoàn chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về dự án hạ tầng kỹ thuật "Chương trình phát triển các đô thị loại II - Green City (đô thị xanh)."

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh danh mục và tổng kinh phí đầu tư tại Quyết định 2331/QĐ-TTg ngày 23/12/2014.

Theo đó, dự án hạ tầng kỹ thuật "Chương trình phát triển các đô thị loại II - đô thị xanh" được thực hiện tại 3 tỉnh (Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên-Huế) với tổng kinh phí ban đầu là 1.000.000 USD do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) viện trợ không hoàn lại 800.000 USD, còn lại là vốn đối ứng của các địa phương, thời gian thực hiện từ tháng 1/2014-2/2015.

Tuy nhiên, do có sự thay đổi về nguồn vốn viện trợ và các tiêu chí mới trong thực hiện dự án của ADB nên dự án đã được điều chỉnh về thời gian và nâng tổng mức viện trợ lên 2,3 triệu USD; trong đó, ADB viện trợ không hoàn lại 800.000 USD, Quỹ Tín thác biến đổi khí hậu và khả năng phục hồi đô thị (UCCRTF) của đối tác Tài chính đô thị (UFPF) 1 triệu USD và Quỹ Tín thác Hà Lan (NTF) của tổ chức đối tác Tài chính nước (WFPF) 300.000 USD; còn lại vốn đối ứng của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, bà Sofia, Trưởng đoàn chuyên gia của ADB về dự án này cho biết để thực hiện có hiệu quả dự án, ADB vừa đưa ra cơ chế giải ngân nguồn vốn dự án dựa trên kết quả thực hiện.

Đây không chỉ phù hợp với chính sách vay vốn của ADB mà còn đảm bảo cho việc triển khai dự án đúng lộ trình, tiến độ, đặc biệt là chất lượng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đầu tư cho xây dựng thành phố xanh.

Về kế hoạch, đến hết tháng Ba, ADB phối hợp với các địa phương thực hiện khung báo cáo tổng quan dự án và đến tháng Chín sẽ hoàn chỉnh toàn bộ báo cáo của dự án.

Cùng với đó, ADB cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng kế hoạch thực hiện và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục các hạng mục đầu tư, gói thầu thực hiện chậm nhất đến tháng 11 phải hoàn thành để trình Hội đồng ADB và ký kết Hiệp định vay trong tháng 1/2016, sớm triển khai dự án đầu tư vào tháng 3/2016.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao đánh giá cao sự hợp tác và viện trợ của ADB đối với dự án phát triển đô thị xanh tại Thừa Thiên-Huế, đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai dự án đúng tiến độ và tạo điều kiện cho Tổ tư vấn của ADB thực hiện tốt các công việc, nhiệm vụ của dự án tại Thừa Thiên-Huế.

Là địa phương có di sản văn hóa thế giới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Cao mong muốn trong quá trình thực hiện dự án, ADB cần nghiên cứu, tư vấn cũng như hỗ trợ để không có sự trùng lặp trong đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị xanh gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa Huế của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Để phát triển đô thị xanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết tỉnh mạnh dạn loại bỏ các dự án đầu tư có ảnh hưởng đến môi trường.

Thay vào đó, Thừa Thiên-Huế sẽ xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý của địa phương về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên để thực hiện tăng trưởng xanh.

Tỉnh thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, dịch vụ xanh, ngăn ngừa và xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường, hình thành lối sống thân thiện với môi trường.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đến năm 2020 có 95% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt chuẩn quy định; 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; đất cây xanh công cộng khu vực nội thị các đô thị đạt trên 5m2/người.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục