ADB tiếp tục giúp Việt Nam cải cách, phát triển y tế

ADB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chăm sóc sức khỏe ban đầu; kiểm soát các bệnh lây truyền và các dịch vụ dự phòng; nguồn nhân lực y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường và Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura đã đồng chủ trì cuộc họp Nhóm đối tác y tế (HPG) quý 2 năm 2013, diễn ra ngày 5/7 tại Hà Nội.

Các Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác phát triển cùng lãnh đạo một số sở y tế tỉnh, thành phố đã tham dự cuộc họp.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Việt Nam đã đạt được các thành tựu ấn tượng và thành công trong việc đạt được một số mục tiêu Thiên niên kỷ liên quan đến y tế. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này vẫn gặp một số khó khăn như sự khác biệt lớn giữa các vùng miền, nông thôn - thành thị, giữa nhóm thu nhập...

Bên cạnh đó, một số bệnh đã được khống chế nhưng nguy cơ quay trở lại vẫn còn rất cao như HIV/AIDS, lao, sốt rét và một số dịch bệnh nguy hiểm khác; đồng thời xuất hiện một số vấn đề mới cần giải quyết như thừa cân, béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi, lao-HIV... trong khi năng lực cung cấp và mức độ bao phủ dịch vụ y tế còn hạn chế.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã xây dựng đề án Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực y tế nhằm đánh giá đúng mức thực trạng triển khai thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; xây dựng các nhóm giải pháp để hỗ trợ Việt Nam đạt và duy trì của mục tiêu này trong lĩnh vực y tế.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam Tomoyuki Kimura đã chúc mừng và ghi nhận những thành tích cơ bản mà Bộ Y tế Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; ông cho biết Việt Nam là nước thu nhập trung bình đi cùng với những cải tổ cơ bản và những thách thức về xây dựng năng lực, đặc biệt là đối với Bộ Y tế.

Nguồn tài chính từ viện trợ bên ngoài cho ngành chiếm khoảng 3% tổng chi tiêu cho y tế và sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt là đối với các khoản viện trợ.

ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực cải cách và phát triển của Việt Nam trong những năm tới theo những ưu tiên của ngành như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ và giảm quá tải bệnh viện; hỗ trợ để kiểm soát các bệnh lây truyền và các dịch vụ dự phòng; hỗ trợ nguồn nhân lực y tế.

Mỗi năm, ADB hiện chi khoảng 40 triệu USD cho ngành y tế Việt Nam.

Ông Tomoyuki Kimura khẳng định cuộc họp HPG là dịp các đại biểu cùng bàn bạc các vấn đề, chính sách về điều phối viện trợ của ngành y tế; đồng thời, đây cũng là diễn đàn cởi mở và linh hoạt để đối thoại về những ưu tiên của ngành y tế Việt Nam.

Diễn đàn HPG mang tính nội bộ trong khi vẫn duy trì đại diện ở cấp độ cao để tạo sự thúc đẩy. ADB kiến nghị một phương thức tiếp cận mang tính quy trình hơn để rà soát hoạt động của ngành, đường lối chiến lược và hiệu quả viện trợ với những kết nối rõ ràng trong các lĩnh vực chuyên môn và các nhóm công tác kỹ thuật...

Cũng trong cuộc họp này, đại điện Bộ Y tế đã trình bày Đề án và Nghị quyết của Chính phủ về Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực y tế; phát triển nguồn nhân lực y tế trong bối cảnh mới.

Các đại biểu tập trung đánh giá văn bản thoả thuận chung về tăng cường hiệu quả viện trợ; hoạt động của các nhóm kỹ thuật và báo cáo tổng quan chung của ngành y tế.../.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục