ADB và Trung Quốc tăng hợp tác tăng trưởng xanh

ABD và Trung Quốc nhất trí về CPS, nhằm giải quyết đói nghèo, tăng thu nhập, cải thiện bất bình đẳng, thu hẹp sự chênh lệch khu vực.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ABD và Trung Quốc đã nhất trí về quan hệ đối tác chiến lược quốc gia mới (CPS), trong đó sẽ tập trung vào các dự án sáng tạo của Trung Quốc mà ADB có thể đóng vai trò xúc tác, nhằm giải quyết đói nghèo, tăng thu nhập, cải thiện tình trạng bất bình đẳng, thu hẹp sự chênh lệch khu vực và thúc đẩy một nền kinh tế ít carbon.

Thông cáo báo chí của ADB cho biết CPS được liên kết chặt chẽ với các ưu tiên trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc giai đoạn 2011-2015, nhất là những nỗ lực chuyển nền kinh tế theo hướng phát triển xanh hơn. CPS cũng phản ánh vai trò đang thay đổi của Trung Quốc là một nước có thu nhập trung bình đang phát triển nhanh chóng, với sự nhấn mạnh việc chia sẻ kiến thức ngày càng tăng để thúc đẩy hợp tác Nam-Nam.

Ông Stephen P. Groff, Phó Chủ tịch ADB, nói: "Trung Quốc đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong ba thập niên qua, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Quan hệ hợp tác ADB-Trung Quốc ngày càng được dựa trên sự đổi mới và phát triển và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, công nghệ, và thông lệ quốc tế tốt nhất.”

Ông Stephen P. Groff nhấn mạnh CPS được xây dựng trên ba trụ cột: tăng trưởng toàn diện, tăng trưởng bền vững về môi trường, hợp tác và hội nhập khu vực. CPS sẽ tập trung vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải; phát triển đô thị, với cho vay và hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào công nghệ mới, phát triển xã hội, phát triển xanh, phối hợp tăng cường hợp tác khu vực và các chương trình hội nhập.

Bên cạnh cấp vốn trực tiếp, ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ tín dụng vi mô, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các dự án xanh và cho chính quyền các cấp cơ sở.

Ông Robert Wihtol, Tổng giám đốc Vụ Đông Nam Á của ADB, cho biết tín dụng sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án thí điểm có thể được mở rộng và tái tạo thông qua tài chính trong nước. Chẳng hạn như dự án năng lượng Mặt Trời, nhằm nâng tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu năng lượng phi hóa thạch của Trung Quốc từ 8,3% năm 2010 lên 11,4% vào năm 2015. Hơn 90% hoạt động cho vay theo chương trình của ADB sẽ tập trung vào các khu vực kém phát triển trong nội địa của Trung Quốc để hỗ trợ phát triển toàn diện.

ADB sẽ tăng cường giáo dục kỹ thuật và dạy nghề và đào tạo bằng cách giúp đỡ để tăng cường tuyển sinh tại các trường dạy nghề hậu trung học lên 13,9 triệu em vào năm 2015, so với mức 12,8 triệu em năm 2009.

ADB cũng lưu ý Trung Quốc là trung tâm của các thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu, khi chiếm gần một phần tư tổng lượng khí thải carbon trên thế giới (năm 2009). Đói nghèo vẫn còn phổ biến ở các khu vực trong nội địa kém phát triển hơn, với hơn 100 triệu người dân nông thôn thuộc diện nghèo năm 2011 theo chuẩn nghèo mới của chính phủ nước này./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục