ADB: Việt Nam là câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo

Theo lãnh đạo ADB và WB, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam được xem là câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình.
ADB: Việt Nam là câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo ảnh 1(Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam đã trải qua gần 30 năm Đổi mới với những cải cách sâu sắc và toàn diện. Quá trình đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã đưa ra những đánh giá về những thành tựu của Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo

Những thành tựu mà Việt Nam đạt được qua gần ba thập kỷ thật đáng khâm phục. Việt Nam đã trở thành một trong những ​nước thành công nhất về giảm nghèo trên thế giới.

Chúng tôi rất vui mừng trước những tiến bộ to lớn mà Việt Nam đã đạt được, đặc biệt trong việc đảm bảo tăng trưởng nhanh về kinh tế luôn đi kèm hỗ trợ cho giảm nghèo. Trong 30 năm Đổi mới, thu nhập GDP trên đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 6 lần, trong khi tỷ lệ nghèo đã giảm xuống từ trên 58% vào năm 1993 xuống chỉ còn khoảng 3% như hiện nay.

Chỉ qua mấy thập kỷ, từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Những cải thiện đầy ấn tượng trong nền kinh tế đã đóng góp cho những tiến bộ không ngừng trong phát triển xã hội, và tạo điều kiện để Việt Nam đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ về xóa đói và giảm nghèo cùng cực sớm hơn nhiều so với thời hạn đặt ra cho toàn cầu.

Sự chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế và xã hội này là kết quả của sự thay đổi chính sách từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, và những tiến bộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực.

Nói về Đổi mới, không thể không nhắc đến những cải cách chính sách mà Việt Nam đã thực hiện. Chỉ trong hơn 1/4 thế kỷ, những cải cách này đã giúp Việt Nam thay đổi hoàn toàn và đưa nền kinh tế tiến nhanh theo hướng kinh tế thị trường. Việt Nam đã tiến hành những cải cách quan trọng về kinh tế và thể chế để cải thiện năng lực sản xuất yếu kém, tạo ra tăng trưởng, và nâng cao mức sống của người dân.

Nếu nhìn lại những thành quả về kinh tế từ Đổi mới 1986, tôi tin rằng mọi người đều nhất trí rằng, việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khu vực tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng; trong đó, việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cải cách sâu rộng khu vực tài chính ngân hàng, và cải thiện năng lực cạnh tranh luôn là trọng tâm của chiến lược tổng thể.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: Đồng thuận của người dân là bài học thành công

Sau 30 năm cải cách, Việt Nam là một nền kinh tế năng động và đã trở thành nền kinh tế với mức thu nhập trung bình thấp. Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và có các chính sách xã hội tốt đã mang lại những cải thiện đáng kể về an sinh xã hội.

Với việc áp dụng chuẩn đói nghèo mới, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam đã giảm từ mức hơn 50% trong đầu ​thập niên 90 của thế kỷ 20 xuống còn mức một con số như hiện nay. Mức đói nghèo cùng cực được tính ở mức 1,25 USD/ngày đã gần như không còn ở Việt Nam.

Không những mức thu nhập cao hơn, tỷ lệ người dân được tiếp cận với giáo dục của Việt Nam còn cao hơn so với hầu hết các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản cũng đã được cải thiện. Hiện nay, 96% dân số Việt Nam được tiếp cận với điện, tăng hơn so với mức gần 50% trong năm 1993. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch và an toàn vệ sinh đã tăng đáng kể từ mức dưới 78% hộ dân năm 1993 lên trên 98% hiện nay.

Sự phát triển toàn diện của Việt Nam đã được công nhận rộng rãi như một mô hình cho các nước đang phát triển khác. Kết quả của 30 năm Đổi mới tạo ra một nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với tư cách là quốc gia có mức thu nhập trung bình.

Chúng ta có thể rút ra một số bài học thành công từ quá trình cải cách của Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam đã lựa chọn một phương pháp tiếp cận thực tế trong quá trình cải cách. ​Quá trình cải cách được thực hiện theo trình tự nhất định và với tốc độ cải cách hợp lý. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được sự đồng thuận rộng rãi của các cấp trong quá trình cải cách.

Thứ hai, Việt Nam đã biết cách sử dụng những thế mạnh của mình bằng việc tập trung mũi nhọn vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và nông nghiệp hơn là tham gia vào hệ thống công nghệ điều khiển bậc cao.

Thứ ba, việc sớm xây dựng được nguồn nhân lực dồi dào cũng là một điểm nhấn hiệu quả của Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng được lực lượng lao động trẻ có tiềm năng và có trình độ học vấn tương đối cao. Qua quá trình Đổi mới, nguồn tài nguyên con người cũng đã được mở rộng, qua đó thúc đẩy sự đổi mới kinh tế theo hướng thị trường.

Và cuối cùng, Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận của mọi tầng lớp dân chúng, đây là sức mạnh giúp Việt Nam có được các chiến lược hiệu quả trong việc thực thi cam kết của các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách một số khu vực doanh nghiệp phức tạp.

Cả bốn điểm nhấn quan trọng này đã giúp Việt Nam thành công trong tiến trình Đổi mới 30 năm qua và sẽ còn đóng vai trò to lớn cho tiến trình cải cách tiếp theo.

Mục tiêu lớn nhất của Việt Nam là trở thành một nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong dài hạn, Việt Nam cần tập trung vào đổi mới một số lĩnh vực trọng tâm như: phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát triển đô thị, đẩy mạnh cải cách và nâng cao giáo dục.

Một số nhân tố thị trường, đặc biệt là các nhân tố đảm bảo sự cạnh tranh và bảo vệ quyền sở hữu tài sản, hiện chưa thực sự phát triển. Nó làm cho quá trình phân bổ nguồn lực không hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu. Điều này làm cản trở khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Việt Nam cần sớm xác định những khoảng trống này, từ đó thúc đẩy khả năng phát triển các doanh nghiệp phụ trợ, tạo sự kết nối với các khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu Việt Nam xây dựng được sự liên kết giữa hai thành phần kinh tế này, sẽ góp phần gia tăng lợi ích của các bên tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam cũng cần phải tăng cường các chương trình nghị sự liên quan tới giáo dục và đổi mới, để đảm bảo sự duy trì tăng trường cao trong tương lai. Đây chính là nhân tố giúp Việt Nam gia tăng nguồn lực sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, cải cách để sử dựng hiệu quả nguồn tài nguyên con người.

Nói chung, Việt Nam cần xây dựng một xã hội cởi mở hơn với các ý tưởng mới, công nghệ cải tiến và khả năng đối phó với các tình huống rủi ro tốt.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh tiến trình đô thị hóa như là một động lực khác của tiến trình phát triển. Những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đã phát triển rất mạnh mẽ trong hai thập kỷ vừa qua, nhưng quy mô và phạm vi đô thị hóa toàn nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa được chú trọng nhiều./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục