ADN của chuột túi có thể ngăn ung thư da ở người

Các nhà khoa học đã phát hiện loài chuột túi (Kangaro), có khả năng tự "vá lỗi" những ADN bị thương tổn do tác động của tia cực tím.
Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Melbourne cho biết chuột túi (Kangaroo) có thể là "chìa khoá" cho việc ngăn ngừa căn bệnh ung thư da nguy hiểm.

Các nhà khoa học Australia đã phát hiện loài động vật có túi này có khả năng tự "vá lỗi" những ADN bị thương tổn do tác động của tia cực tím.

Nhóm nghiên cứu, do Tiến sĩ Linda Feketeova làm trưởng nhóm, đã phối hợp với một số nhà khoa học thuộc Trường Đại học Innsbruck nhằm tìm kiếm phương pháp hạn chế nguy cơ ung thư da ở người.

Sau một thời gian nghiên cứu, họ đã phát hiện các enzym sửa lỗi ADN trong cơ thể chuột túi và ở một số loài động thực vật khác, mà không có trong cơ thể người.

Tiến sỹ Feketeova cho biết vào mùa Hè, cơ thể con người thường tiếp xúc nhiều với tia cực tím (UV) từ Mặt Trời và đây chính là nguyên nhân khiến 400.000 người dân Australia bị bệnh ung thư da.

Các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra một loại "kem dưỡng da trong mơ", bao gồm các hoạt chất có thể "vá lỗi" những ADN bị hỏng liên quan tới bệnh ung thư da.

Loại kem này sẽ được sử dụng như kem chống nắng thông thường. Tuy nhiên, việc đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người sẽ phải mất khoảng 5 năm nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục