AEC là chìa khóa để Việt Nam giảm gánh nặng nhập siêu

Khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối 2015, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, qua đó giảm gánh nặng nhập siêu.

Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành, nếu tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước AEC, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, gạo, thủy sản, linh kiện điện tử... qua đó giảm gánh nặng nhập siêu.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại diễn đàn xuất khẩu Việt Nam 2014 do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức sáng 17/4, tại Hà Nội.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng hàng hóa có kim ngạch hàng chục tỷ USD, trong đó nhiều nhất là máy móc thiết bị và các sản phẩm phục vụ tiêu dùng từ nhiều nước trên thế giới. Đơn cử, năm 2012 Việt Nam nhập khẩu 113,79 tỷ USD và tăng lên 132,12 tỷ USD chỉ một năm sau đó.

Về thị trường, hiện Việt Nam vẫn phải nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Nếu như năm 2001, nhập siêu từ thị trường này chỉ là 210 triệu USD thì đến năm 2013 đã lên tới 23,8 tỷ USD.

Trước thực tế trên, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU đặc biệt là khối ASEAN đang là một hướng đi quan trọng để giảm nhập siêu.

Bà Phạm Thị Hồng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước ASEAN phát triển mạnh, tổng giá trị kim ngạch thương mại đã tăng khoảng 4,5 lần trong vòng 11 năm (từ 8,9 tỷ USD vào năm 2003 lên 40 tỷ USD vào năm 2013).

Dự báo trước thềm AEC (năm 2015), xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) sẽ về mức 0% vào năm 2015 theo Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) ký ngày 26/2/2009 tại Thái Lan.

"Như vậy, đây sẽ là một cơ hội lớn để Việt Nam cải thiện cán cân thương mại," bà Phạm Thị Hồng Thanh nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tại Diễn đàn lần này, bà Thanh cũng chỉ ra những thách thức đối với hàng hóa của Việt Nam trong bối cánh sức cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là khi các rào cản để bảo vệ thị trường nội địa gần như không còn.

Do vậy, trong ngắn hạn bà Thanh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại, gạo… Đồng thời có chiến lược kinh doanh dài hạn nhằm tận dụng tối đa các ưu đãi hậu AEC.

Về dài hạn, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại để trực tiếp khảo sát các thị trường mục tiêu. Đổi mới mặt hàng, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm xuất khẩu.

Tại Diễn đàn lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hiện ASEAN là một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng thương mại của Việt Nam (theo số liệu ước tính năm 2013). Về đầu tư, năm 2013 khu vực này đóng góp 22,4% tổng giá trị vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Những thành viên ASEAN có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Singapore, Malaysia, Thái Lan…

"Thực tế đã chỉ ra rằng, AEC và các hiệp định FTA đã góp phần tăng nhanh giá trị xuất khẩu giữa Việt Nam với ASEAN và với các đối tác của ASEAN, tác động tích cực tới việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường có liên quan," Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục