AEC sẽ tác động thế nào đến 90 triệu người dân Việt Nam?

AEC 2015: Đừng để tuột mất hàng triệu cơ hội việc làm tốt!

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ thành lập vào cuối năm 2015, những người dân bình thường sẽ trải nghiệm những thay đổi của sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế do tác động của AEC thông qua thị trường lao động.
AEC 2015: Đừng để tuột mất hàng triệu cơ hội việc làm tốt! ảnh 1Chuyển dịch cơ cấu kinh tế do ảnh hưởng của Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sau khi thành lập vào cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tác động như thế nào đến 90 triệu người dân Việt Nam? Những người dân bình thường sẽ trải nghiệm sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế thông qua thị trường lao động. Điều họ quan tâm nhất chính là việc liệu từ quá trình hội nhập, họ có tìm được một công việc tốt với thu nhập đủ sống và điều kiện làm việc đảm bảo hay không?

Hàng triệu việc làm mới

ILO và Ngân hàng phát triển Châu Á-Thái Bình Dương (ADB) vừa thực hiện một báo cáo có tên “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”. Báo cáo cho thấy có những dấu hiệu tích cực trong việc thành lập ACE. Nếu được quản lý hiệu quả AEC sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực thêm 7,1% vào năm 2025 và tạo ra 14 triệu việc làm mới.

Tại Việt Nam, nơi tập trung tới 1/6 lực lượng lao động của khu vực ASEAN thì GDP dự kiến sẽ tăng thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới nhờ tác động của AEC. Theo dự báo, AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển dịch cơ cấu hiện đại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên 23,5% vào năm 2025. Đặc biệt, sự mở rộng đáng kể của ngành mậu dịch và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm.

Mặt khác, tỷ trọng việc làm trong ngành nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 35,2% vào năm 2025. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp sẽ  vẫn tạo ra khoảng 22 triệu việc làm cho người lao động, tăng 2 triệu lao động so với bối cảnh không hội nhập AEC. Trong bối cảnh dó, nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp sẽ trở thành yếu tố then chốt. Các chuyên gia cũng lưu ý, Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp trong thời kỳ nông nhàn nhằm giảm tỷ lệ đói nghèo ở khu vực nông thôn.

Sự hội nhập kinh tế ASEAN được dự báo sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về việc làm cho các ngành xây dựng, thương mại và vận tải. Năng suất lao động trong các ngành này được dự báo sẽ tăng gấp 2 lần so với năng suất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm trong các ngành này thường là việc làm phi chính thức, hầu như không có sự bảo trợ của pháp luât và an sinh xã hội.

Mặc dù được dự báo sẽ tạo ra hàng triệu việc làm nhờ vào việc thành lập AEC, báo cáo cũng chỉ ra rõ rằng 2/3 trong số việc làm mới rất có thể là những công việc chất lượng thấp, dễ bị tổn thương như lao động tự làm hoặc lao động hộ gia đình. . Điều này đòi hỏi phải có những chính sách thị trường lao động nhằm cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động.

AEC 2015: Đừng để tuột mất hàng triệu cơ hội việc làm tốt! ảnh 2Đào tạo kỹ năng nghề cho lao động là một yếu tố quan trọng đảm bảo lao động không bị thất nghiệp khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Cơ hội sẽ mãi chỉ là cơ hội..."

Đánh giá về thách thức của Việt Nam khi thành lập AEC, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho rằng hiện nay, bất chấp sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập và điều kiện lao động còn ở mức thấp điển hình so với một vài nền kinh tế ASEAN khác.

“AEC sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cấu trúc, trong khi một số ngành sẽ trở nên phát đạt thì một số ngành khác lại có khả năng phải cắt giảm việc làm. Lao động trong các ngành này nếu không có những kỹ năng phù hợp sẽ không nắm bắt những cơ hội mới mà AEC đem lại,” ông Yoshiteru Uramoto cảnh báo.

Theo ông Yoshiteru Uramoto, AEC đem lại cho Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN những cơ hội để phát triển và chuyển dịch sang một nền kinh tế có năng suất cao dựa trên kỹ năng và sự đổi mới. Thế nhưng, nếu các nhà lãnh đạo không thể giải quyết được những vấn đề trọng tâm thì AEC sẽ làm gia tăng bất bình đẳng và số đông người lao động bình thường sẽ không được hưởng lợi từ quá trình này.

Ông Phú Huỳnh, Chuyên gia kinh tế lao động, Văn phòng ILO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng lo ngại: “Báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng trong giai đoạn từ 2010 đến 2025, nhu cầu đối với việc làm cần kỹ năng trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%. Tuy nhiên, những người tìm việc mà thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết thì sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới đó.”

Sẽ không chỉ có sự dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác mà còn có sự dịch chuyển từ tiểu ngành này sang tiểu ngành khác. Kéo theo sự chuyển dịch các lĩnh vực kinh tế, sẽ có một số lượng lớn việc làm mới. Tuy nhiên, nếu như không chuẩn bị thật tốt về đào tạo, xây dựng kỹ năng để chuyển dịch sang các lĩnh vực kinh tế mới cần nhiều lao động thì số lượng lao động thất nghiệp sẽ tăng lên.

“Không chỉ có sự dịch chuyển lao động trong các lĩnh vực kinh tế mà còn có sự dịch chuyển lao động quốc tế giữa các nước. Điều này cảnh báo các quốc gia nếu không chuẩn bị về chính sách, đào tạo, giáo dục… thì lao động sẽ không có đủ kỹ năng cạnh tranh. Cơ hội sẽ mãi chỉ là cơ hội nếu không có những giải pháp để nắm bắt được nó,” ông Phú Huỳnh lưu ý.

Việt Nam còn chưa đầy một năm để chuẩn bị cho quá trình thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Liệu thời gian đó có đủ để chuẩn bị cho lực lượng lao động Việt Nam nắm bắt hàng triệu cơ hội việc làm tốt từ quá trình hội nhập này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục