Afghanistan và Taliban nhất trí các nguyên tắc tiến hành hòa đàm

Với sự hỗ trợ của các quan chức Mỹ, hai bên đã gạt sang một bên những bất đồng để nhất trí 19 nguyên tắc cụ thể mà các đại diện của hai bên cần tuân thủ trong các cuộc đàm phán.
Afghanistan và Taliban nhất trí các nguyên tắc tiến hành hòa đàm ảnh 1Phái đoàn Chính phủ Afghanistan trước vòng đàm phán với các đại diện Taliban tại Doha, Qatar ngày 15/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các đại diện của Chính phủ Afghanistan và Taliban đã nhất trí về các nguyên tắc ứng xử nhằm đảm bảo các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 thập kỷ qua tại quốc gia Tây Nam Á này không có nguy cơ đổ vỡ.

Theo 3 nguồn tin chính thức, với sự hỗ trợ của các quan chức Mỹ, hai bên đã gạt sang một bên những bất đồng để nhất trí 19 nguyên tắc cụ thể mà các đại diện của hai bên cần tuân thủ trong các cuộc đàm phán.

[Một số tù nhân Taliban được phóng thích đã trở lại chiến trường]

Một quan chức cấp cao tại Doha theo dõi đàm phán khẳng định các nguyên tắc cơ bản này sẽ là nền tảng để tránh nguy cơ hòa đàm đổ vỡ.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên của phương Tây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề ra các nguyên tắc ứng xử, cho thấy hai bên sẵn sàng duy trì các cuộc đối thoại dù số các vụ bạo lực không hề suy giảm trong thời gian qua.

Trên thực tế, trong khi các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar, nhiều binh sỹ nước này và dân thường đã thiệt mạng, trong khi nhiều tay súng Taliban cũng đã bị tiêu diệt trong các cuộc đụng độ và tấn công liều chết trong những tuần gần đây.

Đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban là một phần của thỏa thuận được Mỹ ký kết với Taliban hồi tháng Hai.

Theo thỏa thuận này, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan vào tháng 5/2021, đổi lại Taliban cam kết sẽ tham gia cuộc chiến chống khủng bố, nhất trí đàm phán ngừng bắn lâu dài và cách thức chia sẻ quyền lực với Chính phủ Afghanistan.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định các cuộc đàm phán này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do Taliban không muốn một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện.

Taliban cho rằng việc tăng cường các vụ tấn công có thể khiến lực lượng này có lợi thế trên bàn đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục