AFTA-cơ hội cho doanh nghiệp Thái Lan và ASEAN

Từ đầu năm 2010, mức thuế đối với hơn 7.880 mặt hàng và sản phẩm công-nông nghiệp buôn bán tại 6 nước ASEAN được hạ xuống còn 0%.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế Thái Lan, Hiệp định về Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 là bước chuẩn bị tốt cho các doanh nghiệp Thái Lan cũng như ASEAN để có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Từ đầu năm 2010, mức thuế đối với hơn 7.880 mặt hàng buôn bán tại 6 nước ASEAN có nền kinh tế phát triển hơn là Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei (ASEAN-6) được hạ xuống còn 0%.

Như vậy, biểu thuế nhập khẩu bình quân tại 6 nước này sẽ chỉ còn khoảng 0,05% và hầu hết hàng hóa được trao đổi tự do qua biên giới tại thị trường khu vực theo tinh thần AFTA. Trong khi đó, FTA giữa ASEAN và Trung Quốc cũng đã có hiệu lực từ đầu năm 2010.

Những đối tượng được áp dụng AFTA gồm các mặt hàng như sắt thép, nhựa, máy móc, thiết bị cơ khí gia dụng, hóa chất, thực phẩm chế biến sẵn, giấy, ximăng, gốm sứ, các sản phẩm thủy tinh; điều hòa nhiệt độ, linh kiện xe gắn máy; nông sản, cá và đậu tương.

Đây là bước khởi đầu cho lộ trình hướng tới Khu vực Tự do Thương mại ASEAN, phát triển và thiết lập một thị trường đơn nhất cũng như một công xưởng chung để xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Theo lộ trình, đến năm 2015, cơ chế cắt giảm biểu thuế quan chung sẽ được mở rộng đến 4 nước thành viên ASEAN còn lại là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar.

Sau khi AFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp Thái Lan cũng như ASEAN cần có sự chuẩn bị tốt và đề ra chiến lược mới để hưởng lợi từ AFTA. Nếu các doanh nghiệp khu vực không có khả năng cạnh tranh sau khi áp dụng AFTA thì họ khó có thể "vượt sóng" trong tiến trình toàn cầu hóa.

Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng chi phí đầu vào giảm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhiều phương án lựa chọn hơn, và nhờ đó, sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường thế giới.

Các nước ASEAN đang sản xuất những sản phẩm tương đối giống nhau, trong đó có thiết bị điện gia dụng. Do vậy, các ngành công nghiệp của Thái Lan sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh gia tăng nếu không tích cực cải thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chế tạo máy móc và phụ tùng có thể sẽ bị tác động, trong khi các hãng lớn và công ty đa quốc gia có thể sẽ chuyển một số cơ sở chế tạo từ Thái Lan tới Indonesia hay Việt Nam, nơi có chi phí lao động thấp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục