Ai Cập đã thông qua dự thảo hiến pháp cuối cùng

Hội đồng lập hiến (CA) Ai Cập sáng 30/11 đã thông qua bản dự thảo hiến pháp cuối cùng với sự đồng thuận gần như hoàn toàn.
Ngày 30/11, Hội đồng Lập hiến (CA) Ai Cập do phe Hồi giáo lãnh đạo đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp cuối cùng với sự đồng thuận gần như hoàn toàn.

Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ra Tuyên bố Hiến pháp, văn kiện bị phe đối lập chỉ trích là nhằm thâu tóm quyền lực.

Quyết định thông qua dự thảo Hiến pháp được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu kéo dài gần 17 giờ trong khuôn khổ phiên họp của CA. Theo kế hoạch, bản dự thảo Hiến pháp sẽ được chuyển lên Tổng thống Morsi trong cùng ngày và có thể được phê chuẩn trong ngày 1/12. Nếu Tổng thống tán thành, một cuộc trưng cầu ý dân về văn kiện này sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày sau đó.

Theo các nguồn thạo tin, CA thông qua toàn bộ các điều khoản trong dự thảo Hiến pháp, trong đó có điều khoản về quyền hạn của tổng thống, quy chế của đạo Hồi, vai trò của lực lượng quân đội và vấn đề nhân quyền.

Bản dự thảo được thông qua có một số thay đổi đối với quy chế chính trị Ai Cập, theo đó hạn chế thời gian cầm quyền của một tổng thống là tám năm. Một điều từng gây tranh cãi trong dự thảo Hiến pháp trước là việc nâng cao vai trò của đạo Hồi trong vấn đề lập pháp.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc ngay khi người dân tiến hành bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, liệu cuộc khủng hoảng có kết thúc nhanh như phe Hồi giáo tuyên bố không vẫn là một câu hỏi để ngỏ. Trước đó, nhiều phiên tòa tại Ai Cập đã yêu cầu CA giải tán vì nghi ngờ tính hợp pháp của hội đồng này, đặc biệt sau khi các thành viên thuộc phái Cơ đốc giáo và lực lượng tự do rút khỏi CA.

Giáo sư chính trị của trường Đại học Cairo, Mustapha Kamal Al-Sayyid nhận định các lực lượng thế tục, nhà thờ Cơ đốc giáo, nhà báo và các thẩm phán sẽ không hài lòng với dự thảo hiến pháp mới vì vậy căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang.

Phe đối lập chỉ trích Tổng thống Morsi và các đồng minh đang tìm cách thúc đẩy nhanh tiến trình thông qua hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp mới không nhận được sự nhất trí của phe đối lập về một số điều khoản liên quan đến các vấn đề về quyền và tự do. Những người Cơ đốc giáo phản đối điều khoản liên quan đến vai trò của đạo Hồi trong lập pháp.

Ai Cập hiện không có quốc hội do cơ quan lập pháp này đã bị giải tán hồi tháng Sáu. Theo quy định, một cuộc bầu cử quốc hội mới sẽ được tiến hành sau khi Hiến pháp được thông qua và ngành tư pháp sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát tiến trình bầu cử này.

Theo giới phân tích, một tiến trình như vậy sẽ rất khó diễn ra trong bối cảnh giới tư pháp bất hợp tác với chính phủ. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy phe đối lập sẽ giảm bớt các hành động phản đối. Liên minh các nhóm đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động chống chính phủ.

11 tờ báo Ai Cập thông báo kế hoạch ngừng phát hành trong ngày 4/12 và ba kênh truyền hình vệ tinh tư nhân sẽ không phát sóng trong ngày 5/12 để phản đối Tuyên bố Hiến pháp của tổng thống./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục