Ai Cập đang khẩn trương hoàn thiện dự luật bầu cử

Sửa đổi đáng chú ý của dự luật như đổi tên Quốc hội thành "Viện Dân biểu" và hủy quyền bổ nhiệm 10 đại biểu quốc hội của tổng thống.
Chủ tịch Hội đồng Thượng viện Ai Cập Ahmed Fahmy ngày 10/1 cho biết Hội đồng sẽ hoàn tất dự luật bầu cử và chuyển lên Tòa án Hiến pháp Tối cao xem xét trong vòng 10 ngày tới. Nếu tòa án tán thành, văn bản này sẽ trở thành luật ngay lập tức.

Theo cố vấn của Bộ trưởng Tư pháp Omar al-Sherif, dự luật bầu cử bao gồm một số sửa đổi đáng chú ý như đổi tên của Quốc hội thành "Viện Dân biểu" và hủy bỏ quyền bổ nhiệm 10 đại biểu quốc hội của tổng thống.

Cùng ngày, báo Al Ahram dẫn lời ông Yasser Ali, người phát ngôn của Tổng thống Ai Cập, cho biết tiến trình bầu cử quốc hội sẽ được khởi động vào ngày 25/2 tới theo đúng quy định của Hiến pháp mới vừa được cử tri nước này thông qua cuối năm ngoái (với 63,8% số phiếu ủng hộ). Tuy nhiên, ông Ali khẳng định ngày bầu cử vẫn chưa được ấn định định, đồng thời bác bỏ tin đồn về việc cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức vào tháng Tư.

Trong khi đó, Tổng công tố Ai Cập Abdullah Talaat đã ra lệnh thành lập một nhóm công tố đặc biệt để tiến hành điều tra những quan chức chế độ cũ liên quan đến "các tội ác chống Cách mạng." Quyết định này được đưa ra dựa trên Tuyên bố Hiến pháp ngày 22/11/2012 của Tổng thống Mohamed Morsi, trong đó ra lệnh mở lại các cuộc điều tra để đưa ra xét xử "các tội ác khủng bố chống lại Cách mạng đối với bất cứ ai từng giữ các chức vụ trong chế độ cũ thực hiện."

Nhật báo nhà nước Al Ahram cho biết nhóm điều tra "Bảo vệ Cách mạng" gồm 20 công tố viên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng chưởng lý Amr Fawzy và dự kiến sẽ tổ chức họp đầu tiên vào ngày 11/1.

Nhóm này sẽ tiến hành điều tra dựa trên báo cáo của Ủy ban tìm hiểu sự thật về các trường hợp sát hại hoặc gây thương tích đối với những người biểu tình trong khoảng thời gian từ cuộc Cách mạng ngày 25/1/2011 đến khi Tổng thống Morsi tuyên thệ nhậm chức ngày 30/6/2012.

Ngoài ra, nhóm này cũng chịu trách nhiệm điều tra những vụ việc khác đã được các cơ quan công tố thu thập hồ sơ.

Một số báo và phương tiện thông tin đại chúng Ai Cập đăng tải một số kết quả điều tra không chính thức của Ủy ban tìm hiểu sự thật. Theo tiết lộ của luật sư Mohsen Bahnasi, thành viên của ủy ban, cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã trực tiếp theo dõi tất cả các sự kiện của cuộc Cách mạng ngày 25/1/2011 thông qua một kênh truyền hình được mã hóa do cựu Bộ trưởng Thông tin Anas El-Fiqi thiết lập.

Cũng theo luật sư này, có bằng chứng về việc các sỹ quan cảnh sát và quân đội tra tấn những người biểu tình trong các sự kiện "Ngày thứ Sáu thịnh nộ" (28/1/2011) và "Trận chiến lạc đà" (ngày 2/2/2011), trong đó nhiều người lạ mặt cưỡi lạc đà tấn công sát hại người biểu tình tại Quảng trường Tahrir.

Báo cáo của Ủy ban tìm hiểu sự thật, do Tổng thống Môhamét Morsi thành lập hồi tháng 7/2012 sau khi nhậm chức, cũng bao gồm thông tin về thảm họa bóng đá tại Port Said ngày 1/2/2012, khiến hơn 70 người chết và hàng trăm người bị thương trong các vụ đụng độ bạo lực giữa các cổ động viên của hai Câu lạc bộ Masry và Ahli.

Cùng ngày 10/1, Tổng thống Morsi đã cử ông Hesham Ramez làm Thống đốc Ngân hàng, sau khi chấp nhận việc ông Farouk Okda từ chức. Ông Ramez sẽ thay ông Okda vào tháng 2 tới sau khi được Thượng viện phê chuẩn.

Ông Okda từ chức trong bối cảnh nền kinh tế Ai Cập rối loạn, đồng nội tệ mất giá và dự trữ ngoại tệ giảm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục