Ai Cập hậu Mubarak đối mặt với khủng hoảng kinh tế

Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Ai Cập (BCE) đã giảm từ 36 tỷ USD tháng 1/2011 xuống còn 16,3 tỷ USD một năm sau đó.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một năm sau sự sụp đổ của chế độ cựu Tổng thống Hosni Mubarak, sự suy thoái của nền kinh tế Ai Cập là sự đe dọa nghiêm trọng đối với quá trình chuyển tiếp dân chủ tại quốc gia đông dân nhất khu vực Arập này.

Với tỷ lệ tăng trưởng GDP chỉ ở mức từ 1% đến 2% so với khoảng từ 5% đến 7% thời gian trước đây, chính phủ Ai Cập đang chờ sự viện trợ lớn từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ khác nhằm tránh sự bùng nổ xã hội trong những tháng tới.

Ông Salah Goda, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Cairo cho rằng, một năm sau cuộc cách mạng, nền kinh tế đang ở trong tình trạng hỗn loạn và nằm ngoài tầm kiểm soát.

Theo những số liệu thống kê chính thức, doanh thu từ nghành du lịch trong năm 2011 đã bị giảm 30% (tương đương với 4 tỷ USD).

Ai Cập cũng không còn là điểm đến mơ ước đối với các nhà đầu tư nước ngoài như trước đây, những người luôn muốn khai thác thị trường tiềm năng với 82 triệu người này.

Trung tâm của mọi sự lo ngại là dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Ai Cập (BCE) đã giảm hơn một nửa từ 36 tỷ USD tháng 1/2011 xuống còn 16,3 tỷ USD một năm sau đó.

Việc dự trữ ngoại hối giảm cùng với thâm hụt ngân sách khoảng 7,8% GDP, nhưng trên thực tế là trên 10% theo như đánh giá của các chuyên gia kinh tế đã làm cho nhiều người lo ngại rằng, đất nước sẽ không còn tiền để nhập khẩu trong những tháng tới, cũng như cũng không thể duy trì hệ thống trợ giá cho những loại hàng hóa cơ bản, một công cụ nhằm giúp giữ giá thấp đối với các loại hàng hóa như xăng, bánh mỳ hay khí đốt cho các hộ gia đình và giúp tránh sự bùng nổ xã hội tại một đất nước nơi mà có tới 40% người dân sống với khoảng 2 USD mỗi ngày.

Những khó khăn trong việc cung cấp xăng trong một số ngày hồi tháng Một đã gây ra sự việc mọi người đổ xô đi mua xăng trên toàn quốc do những tin đồn thiếu nhiên liệu và tăng giá. Nhưng cải cách hệ thống trợ giá có nguy cơ đặt chính phủ chuyển tiếp do Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (CSFA) - hiện đang nắm quyền điều hành đất nước - bổ nhiệm, vào tình thế hiểm nghèo.

Ông Hamdi Abdelazeem, chuyên gia kinh tế thuộc Đại học Sadate cho rằng, thay đổi chính sách liên quan đến trợ giá các mặt hàng lương thực, xăng hay bình gaz có thể sẽ gây ra thảm hoạ chính trị, có nguy cơ gây ra những rối loạn xã hội.

Sau nhiều lần trì hoãn, Ai Cập đã quyết định quay trở lại đàm phán với IMF để yêu cầu vay khoảng 3,2 tỷ USD và tiếp tục đàm phán với Ngân hàng thế giới (WB) để vay khoảng 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng Kamal al-Ganzouri cũng đã thừa nhận hàng tỷ USD viện trợ mà các nước vùng Vịnh cam kết chưa được giải ngân. Nhiều người Ai Cập lo ngại rằng sự hào phóng từ châu Âu cũng không còn.

Tình hình chính trị tại Ai Cập vẫn còn lộn xộn và liên tục bùng phát bạo lực không khuyến khích sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và cũng không tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách ở trong nước.

Chính quyền quân sự bị phản đối ngày một tăng. Chính phủ thì chỉ còn tồn tại vài tháng nữa và các lực lượng Hồi giáo với những sự lựa chọn kinh tế chưa chắc chắn thì lại đang chiếm số đông trong quốc hội.

Ngày 9/2, Chủ tịch WB Robert Zoellick đã bày tỏ lo ngại những căng thẳng xung quanh vấn đề viện trợ quốc tế cho Ai Cập nếu những yêu cầu minh bạch và dân chủ hoá không được thực hiện./.

Thanh Bình/Cairo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục