Ai Cập khẳng định sự cần thiết của giải pháp chính trị cho Syria

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định rằng cần có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria, và cam kết hỗ trợ hòa đàm chấm dứt cuộc xung đột này.
Ai Cập khẳng định sự cần thiết của giải pháp chính trị cho Syria ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 16/2, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry khẳng định rằng cần có một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria, đồng thời cam kết chính quyền Cairo sẽ cố gắng hỗ trợ và thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa các phe phái đối địch ở Syria nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 5 năm qua.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Cairo, ông Shoukry nhấn mạnh việc Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gửi quân tới Syria là quyết định riêng của hai nước này, không liên quan đến Liên minh quân sự Hồi giáo. Ông cũng cho rằng việc này thể hiện quyền tự quyết trong chính sách ngoại giao của các quốc gia Vùng Vịnh.

Đề cập tương lai của Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố được đề xuất lần đầu tiên hồi tháng 5/2015, ông Shoukry cho biết dù chưa có cuộc họp chính thức nào được tổ chức trong khuôn khổ Liên đoàn Arab cũng như giữa các Tổng tư lệnh quân đội các nước Arab, song các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp tục nhằm đạt được một tầm nhìn chung cho việc hình thành liên minh quân sự này.

Tuần trước, Saudi Arabia và UAE tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Syria trong khuôn khổ của chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện đang kiểm soát khu vực rộng lớn giữa Syria và Iraq.

Mỹ đã hoan nghênh đề xuất của Riyadh triển khai lực lượng đặc nhiệm của Saudi Arabia để hỗ trợ các chiến dịch trên bộ của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu chống IS tại Syria.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định mọi chiến dịch sẽ do Mỹ dẫn đầu, tuy nhiên Riyadh sẽ đóng vai trò chủ chốt. Hiện Saudi Arabia đã nối lại các cuộc không kích trong khuôn khổ chiến dịch của liên quân chống IS tại Syria.

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 15 dân thường đã thiệt mạng và 20 người bị thương trong các cuộc không kích do liên quân tiến hành ngày 16/2 tại Al-Shadadi, phía Bắc tỉnh Hasakeh, hiện IS đang chiếm giữ.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi tiến hành chiến dịch trên bộ với các đồng minh quốc tế tại Syria, đồng thời nhấn mạnh chiến dịch này cần có sự tham gia của Mỹ và các nước Vùng Vịnh. Phát biểu với báo giới tại Istanbul, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng "nếu không tiến hành chiến dịch trên bộ, cuộc xung đột ở Syria khó có thể chấm dứt."

Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cảnh báo nếu các binh sĩ nước ngoài tới Syria sẽ phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif cũng nêu rõ Saudi Arabia không được triển khai quân ở Syria bởi điều này vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời yêu cầu Riyadh ngừng các cuộc không kích chống phiến quân ở Yemen.

Phát biểu với báo giới tại Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ), ông Zarif nhấn mạnh các lực lượng cần thống nhất với nhau để tìm ra một giải pháp hòa bình, không tạo ra sự nguy hiểm và thù địch hơn trong khu vực. Rhủ lĩnh phong trào Hezbollah ở Liban Sayyed Hassan Nasrallah cáo buộc Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một cuộc chiến tranh kéo dài ở Syria.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc không kích ở miền Bắc Syria làm gia tăng quan ngại về sự leo thang nghiêm trọng cuộc xung đột kéo dài gần 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 16/2, Liên hợp quốc cho biết Chính phủ Syria đã đồng ý cho lực lượng cứu trợ nhân đạo tiếp cận 7 khu vực đang bị các lực lượng vây hãm.

Theo người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq, các đoàn cứu trợ đã chuẩn bị khởi hành tới các khu vực trên trong ngày 17/2. Trong số 7 khu vực kể trên có Madaya (Ma-đay-a) - nơi nhiều người dân đã bị chết đói.

Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế cho biết phái đoàn hỗ trợ nhân đạo đầu tiên sẽ tới làng Fuaa và Kafraya của người Hồi giáo theo dòng Shi'ite đang bị phiến quân chiếm đóng ở miền Bắc và khu vực Madaya và Zabadani do quân đội chính phủ kiểm soát.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, gần 500.000 người dân đang sống trong các khu vực bị vây hãm kể trên.

Tuần trước, các cường quốc đã nhất trí tìm kiếm một lệnh ngừng bắn và cho phép mở rộng hoạt động cứu trợ tại Syria. Trong khi đó, vòng đàm phán mới về hòa bình ở Syria dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 25/2 tới tại Geneva (Thụy S​ĩ)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục