Ai Cập nằm trong tốp 10 nước có người di cư tới Italy nhiều nhất

Trong năm tháng đầu năm 2016, tổng cộng 1.815 người Ai Cập di cư bất hợp pháp tới Italy bằng đường biển khiến Ai Cập đứng thứ 10 trong số các nước có người di cư tới Italy nhiều nhất trong năm 2016.
Ai Cập nằm trong tốp 10 nước có người di cư tới Italy nhiều nhất ảnh 1Người di cư bất hợp pháp tới Italy bằng đường biển. (Nguồn: ahram.org.eg)

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết Ai Cập hiện đứng vị trí thứ 10 trong số các nước có người di cư tới Italy nhiều nhất trong năm 2016.

Xu hướng này đã không ngừng gia tăng kể từ cuộc nổi dậy năm 2011, dẫn tới việc làn sóng người di cư tới châu Âu qua Địa Trung Hải ngày càng khó kiểm soát.

Theo IOM, trong năm tháng đầu năm 2016 có tổng cộng 1.815 người Ai Cập di cư bất hợp pháp tới Italy bằng đường biển, trong đó có tới 1.147 trẻ em, khiến Ai Cập trở thành quốc gia hàng đầu về số lượng trẻ vị thành niên di cư một mình tới Italy.

Trong năm 2011, gần 2.000 người di cư Ai Cập đã đến Italy. Số lượng người di cư bất hợp pháp tăng hàng năm và đỉnh điểm vào năm 2014 với 4.095 trường hợp.

IOM cũng cho biết ngoài đích đến Italy, người di cư Ai Cập cũng tìm đường tới Hy Lạp. Trong năm 2015, gần 1.000 người Ai Cập đã đến Hy Lạp, tăng hơn 4 lần so với con số 238 trường hợp trong năm 2011.

Người đứng đầu IOM tại Ai Cập Amr Taha cho rằng khó khăn trong vấn đề việc làm khiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, nhất là ở giới trẻ, do đó người Ai Cập di cư để tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Tổ chức IOM cung cấp những hỗ trợ cho người di cư bất hợp pháp có nhu cầu quay trở về Ai Cập. Từ năm 2012, tổ chức này đưa ra các chương trình hỗ trợ tự nguyện hồi hương và tái hòa nhập cho 1.269 người Ai Cập chủ yếu trở về từ Đức, Hy Lạp và Hà Lan. Tuy nhiên, theo IOM, rất ít người Ai Cập di cư tới Italy muốn hồi hương.

Trong thời gian gần đây, các lượng hải quân và biên phòng Ai Cập đã ngăn chặn nhiều tàu chở người di cư trái phép qua Địa Trung Hải để sang châu Âu. Quốc gia Bắc Phi này đã trở thành điểm trung chuyển của nhiều người di cư chạy trốn các cuộc xung đột tại Libya, Syria, Yemen và muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục