Ai Cập sắp "bão lớn"

Ai Cập - một cơn giông bão lớn đang ở phía trước

Thế đối đầu căng thẳng giữa Tổng thống Morsi và lực lượng đối lập tại Ai Cập báo hiệu cơn bão lớn có thể ập xuống quốc gia Bắc Phi này.
Thế đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Tổng thống Mohamed Morsi và các lực lượng đối lập tại Ai Cập vừa có một bước ngoặt đáng chú ý khi quân đội nước này ra "tối hậu thư" buộc các lực lượng chính trị tìm kiếm thỏa hiệp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Mây đen đang ùn ùn kéo tới, báo hiệu một cơn bão lớn có khả năng ập xuống quốc gia Bắc Phi này, hơn hai năm sau khi trải qua cơn bão "Mùa Xuân Arập."

Trong một tuyên bố được đọc trên truyền hình quốc gia tối 1/7, quân đội Ai Cập lên tiếng cảnh báo sẽ can thiệp và đề xuất "lộ trình" chính trị riêng cho đất nước nếu các lực lượng chính trị không "đáp ứng các yêu cầu của nhân dân" trong vòng 48 giờ tới. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi hàng triệu người trên khắp cả nước đổ xuống đường đòi ông Morsi từ chức, vào thời điểm đánh dấu một năm vị Tổng thống Hồi giáo này lên nắm quyền.

Bầu không khí sôi động tại Quảng trường Tahrir và trước cửa Phủ tổng thống ở thủ đô Cairo vào ngày 30/6 gợi nhớ lại làn sóng chính biến kéo dài 18 ngày dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.

Một cuộc cách mạng mới đang ló rạng vào thời điểm tâm trạng bất mãn của người dân xứ Kim Tự Tháp đã lên đến đỉnh điểm trước thực trạng kinh tế tồi tệ và một xã hội bị chia rẽ sâu sắc chỉ sau một năm dưới quyền điều hành của một vị tổng thống đầy tham vọng quyền lực thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo. Từng theo suốt các cuộc biểu tình rầm rộ của các lực lượng cách mạng đầu năm 2011 và hơn 9.500 cuộc biểu tình, tuần hành của phe đối lập trong suốt một năm qua, khẩu hiệu “Người dân muốn lật đổ chế độ,” “Bánh mỳ, tự do và công bằng xã hội” tiếp tục làm rung chuyển các quảng trường trên khắp cả nước.

[Tổng thống Ai Cập kêu gọi quân đội rút tối hậu thư]

Theo nhật báo chính phủ Al Ahram, riêng ngày 30/6, “cuộc chiến các quảng trường” chống Tổng thống Morsi đã thu hút khoảng 17 triệu người trên toàn quốc. Cuộc biểu dương lực lượng này của phe đối lập Ai Cập có quy mô lớn hơn nhiều so với làn sóng biểu tình rầm rộ nổ ra cách đây gần hai năm rưỡi và có lẽ cũng lớn nhất kể từ thời đại các Faraon. Trong khi đó, phong trào Tamarod (Nổi dậy) đứng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ hiện nay cho biết đã thu thập được hơn 22 triệu chữ ký yêu cầu ông Morsi từ chức, chiếm hơn 40% tổng số cử tri Ai Cập và vượt xa mục tiêu ban đầu là 15 triệu chữ ký cùng 13,2 triệu lá phiếu mà nhà lãnh đạo này đã giành được trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng Sáu năm ngoái.

Nhiều đòn mạnh đang liên tục giáng xuống đầu ông Morsi khi cho tới nay đã có tới 6 bộ trưởng trong nội các chính phủ, một cố vấn tổng thống, phát ngôn viên của tổng thống và phát ngôn viên của chính phủ, một tỉnh trưởng xuất thân từ tổ chức Anh em Hồi giáo cùng nhiều nghị sĩ tự do và cánh tả đã đồng loạt đệ đơn xin từ nhiệm.

Thêm vào đó, Tòa án Phúc thẩm Ai Cập ngày 2/7 cũng ra lệnh phục chức cho Tổng công tố Abdel Meguid Mahmud - người bị ông Morsi cách chức hồi tháng 11/2012 kéo theo một cuộc khủng hoảng tư pháp nghiêm trọng. Những động thái trên càng đẩy Tổng thống Morsi vào thế bị cô lập trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang chịu sức ép từ đông đảo công chúng yêu cầu ông phải từ bỏ quyền lực. Trong khi đó, Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ cùng kêu gọi ông Morsi “tôn trọng” và “lắng nghe” ý kiến của người dân nước này.

Bầu không khí tại Ai Cập như đang bị "tích điện" khi cả hai phía đối địch không có dấu hiệu nào sẽ xuống thang khi giờ "G" đang cận kề. Bất chấp sức ép mạnh mẽ từ các cuộc biểu tình đường phố, từ trong chính quyền của mình cũng như lời kêu gọi từ "ông bầu" Mỹ, Tổng thống Mohamed Morsi vẫn thẳng thừng cự tuyệt “cơ hội cuối cùng” mà quân đội trao cho mình. Phe Hồi giáo cũng phát động một cuộc phản công lớn trên khắp cả nước nhằm ủng hộ tính chất hợp pháp của Tổng thống.

Về phần mình, phong trào Tamarod tuyên bố "không còn lựa chọn nào khác" ngoài việc ông Morsi phải ra đi cùng với Thủ tướng và Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập). Trong khi đó, chiến dịch bất tuân dân sự và cuộc đình công "vô hạn định" do "Mặt trận 30/6" phát động cũng chính thức bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 2/7 trong khi hàng triệu người tiếp tục đổ xuống đường nhằm duy trì sức ép đối với ông Morsi.

Theo các nhà phân tích, cuộc đối thoại dân tộc nếu diễn ra vào lúc này dưới sức ép của quân đội cũng rất khó đạt kết quả khi Tổng thống và phe Hồi giáo "không có thói quen" nhượng bộ trong khi các lực lượng đối lập dường như sẽ quyết tâm tới cùng sau nhiều lần bị khước từ. Tổng thống Morsi có thể dựa vào sự ủng hộ mạnh mẽ của phe Hồi giáo để tiếp tục bấu víu quyền lực và tìm cách trì hoãn với hy vọng làn sóng phản kháng hiện nay sẽ hạ nhiệt trong tháng lễ Ramadan (dự kiến bắt đầu vào ngày 9/7 tới).

Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo của lực lượng Anh em Hồi giáo hiểu rõ những gì đang chờ đợi họ với các cơ quan tư pháp được cho là có quan điểm thù địch với họ. Trong khi đó, phe đối lập sẽ tiếp tục gia tăng sức ép với cuộc biểu tình ngồi "vô hạn định" trước cửa Phủ tổng thống và chiến dịch bất tuân dân sự trên toàn quốc, đồng thời cố gắng kéo quân đội vào cuộc. Do vậy, thế giằng co này có khả năng còn kéo dài.

Về phần mình, bị ám ảnh về quãng thời gian tạm quyền đầy biến động trong giai đoạn chuyển tiếp cũng như trước sự phản kháng quyết liệt của phe Hồi giáo và một bộ phận phe đối lập, quân đội Ai Cập sẽ chỉ quyết định can thiệp trực tiếp và quay lại nắm quyền một khi xảy ra những vụ đụng độ lớn và xuất hiện các mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định của đất nước. Ngoài vai trò "trọng tài" của quân đội vào thời điểm gay cấn này, không thể không nhắc tới một lực lượng khác có vai trò quyết định đó là sức mạnh "đẩy thuyền" hay "lật thuyền" của hơn 84 triệu người dân Ai Cập. Chính trường Ai Cập luôn chứa đựng bất ngờ và những điều bất ngờ lớn vẫn đang ở phía trước./.

Hữu Chiến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục