Ai Cập, Sudan, Ethiopia giải quyết tranh cãi sông Nile

Ai Cập, Sudan, Ethiopia thống nhất tổ chức tham vấn cấp bộ trưởng nhằm giải quyết tranh cãi dự án thủy điện Ethiopia trên sông Nile.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã thống nhất tổ chức các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng ba bên nhằm giải quyết tranh cãi xung quanh dự án đập thủy điện của Ethiopia trên sông Nile Xanh - một trong hai nhánh chính của sông Nile.

Trong tuyên bố chung sau cuộc gặp tại Ethiopia ngày 18/6 giữa Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr và người đồng cấp Ethiopia Tedros Adhanom, hai bên đã đồng ý tiến hành các cuộc tham vấn kỹ thuật và chính trị trên "tinh thần quan hệ bạn bè và hiểu biết lẫn nhau." Sudan cùng tham gia các cuộc thảo luận này.

Hai ngoại trưởng đều cho rằng các nghiên cứu sâu hơn sẽ tiếp tục được triển khai nhằm đánh giá các tác động của dự án đập thủy điện sau khi Cairo tỏ ý không hài lòng về báo cáo mới đây của Ủy ban kỹ thuật 3 bên. Một nguồn tin ngoại giao cho biết một vòng đàm phán khác giữa ngoại trưởng và các chuyên gia của hai nước sẽ tổ chức trong một vài tuần tới.

Tiếp theo chuyến đến Ethiopia và có 4 cuộc gặp với ngoại trưởng nước chủ nhà, Ngoại trưởng Ai Cập đã tới Khartoum thủ đô Sudan ngày 18/6 để thông báo về kết quả chuyến thăm Ethiopia trong cuộc gặp với Tổng thống Omar al-Bashir cùng nhiều quan chức Sudan.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Amr cho biết Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã đồng ý tiến hành cuộc họp giữa Bộ trưởng Nguồn nước của ba nước càng sớm càng tốt để xem xét báo cáo của các chuyên gia quốc tế, đánh giá tác động của dự án thủy điện của Ethiopia đối với các nước hạ lưu, nhất là hạn ngạch khai thác nước sông Nile của Ai Cập và Sudan. Ngoài ra, ba nước cũng đồng ý tổ chức một cuộc họp giữa các ngoại trưởng.

[Ethiopia đổ thêm dầu vào cuộc tranh cãi về sông Nile]

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 18/6, Bộ trưởng Nguồn nước và Tưới tiêu Nam Sudan Paul Mayom Akec cho biết nước này đang có kế hoạch ký Hiệp định khung hợp tác (CFA) nhằm thay thế một thỏa thuận có từ thời thuộc địa cho phép Ai Cập và Sudan kiểm soát hầu như toàn bộ nguồn nước sông Nile. Ông Akec khẳng định tiến trình gia nhập CFA đã được khởi động, đồng thời cho biết Nam Sudan sẽ bắt đầu thực hiện hiệp định này ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

CFA cho phép các nước thượng nguồn sông Nile triển khai các dự án tưới tiêu và thủy điện mà không cần có sự phê chuẩn của Ai Cập. Trước đó, hôm 13/6, Quốc hội Ethiopia đã phê chuẩn CFA trong khi Ai Cập và Sudan phản đối và từ chối ký hiệp định này. Ngoài Ethiopia, hiện CFA đã được quốc hội 5 nước lưu vực sông Nile phê chuẩn, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda. Ngoài Nam Sudan, hiện Cộng hòa Dân chủ Congo cũng đang có ý định tham gia hiệp định này.

Từ cuối tháng Năm vừa qua, quan hệ giữa Ai Cập và Ethiopia đột ngột trở nên căng thẳng sau khi quốc gia vùng Sừng châu Phi tiến hành chuyển hướng dòng chảy của sông Nile Xanh trong khuôn khổ dự án xây dựng đập thủy điện "Đại phục hưng Ethiopia," có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD, với công suất 6.000 MW. Giai đoạn đầu của dự án dự khiến sẽ được hoàn thiện trong 3 năm tới.

Chính quyền Cairo cho rằng Ai Cập có quyền lợi lịch sử đối với nguồn nước sông Nile. Theo một thỏa thuận ký kết với Anh năm 1929, Ai Cập có quyền phủ quyết bất kỳ dự án nào tại các nước thượng nguồn ảnh hưởng đến lưu lượng nước sông Nile chảy qua lãnh thổ nước này.

Năm 1959, Ai Cập và Sudan ký một thỏa thuận cho phép hai quốc gia này khai thác hơn 90% tổng lưu lượng nước sông Nile mỗi năm. Tuy nhiên, các nước thượng nguồn cho rằng họ không phải là một bên tham gia ký kết thoả thuận trên và do vậy không thừa nhận tính chất hợp pháp của văn bản này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục