Ai Cập tiếp tục bác việc trao ​2 đảo trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia

Ngày 16/1, Tòa án Hành chính Ai Cập ra phán quyết tái khẳng định thỏa thuận phân định biên giới biển giữa nước này và Saudi Arabia, với 2 hòn đảo trên trên Biển Đỏ là không có giá trị.
Ai Cập tiếp tục bác việc trao ​2 đảo trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: shorouknet.com)

Ngày 16/1, Tòa án Hành chính Thượng thẩm Ai Cập đã ra phán quyết tái khẳng định thỏa thuận phân định biên giới biển giữa nước này và Saudi Arabia, theo đó Cairo trao chủ quyền đối với hai hòn đảo trên Biển Đỏ cho chính quyền Riyadh, là không có giá trị.

Tòa án Hành chính Ai Cập xác nhận chủ quyền của Ai Cập đối với hai đảo Tiran và Sanafir ở eo biển Tiran, đồng thời bác bỏ kháng cáo của chính phủ nước này đối với phán quyết trước đó.

Các luật sư tại tòa trên cho rằng, đây là phán quyết cuối cùng và không thể kháng án.

Tháng 6/2016, một tòa án hành chính Ai Cập đã ra phán quyết cho rằng thỏa thuận phân định biên giới được ký kết giữa Ai Cập và Saudi Arabia là không có giá trị, đồng thời tuyên bố đảo Tiran và Sanafir vẫn thuộc chủ quyền của Ai Cập.

Tuy nhiên, tháng 9/2016, Tòa án các vấn đề khẩn cấp của Ai Cập đã đình chỉ phán quyết trước đây của Tòa án Hành chính liên quan đến việc phong tỏa hoạt động chuyển giao 2 hòn đảo Tiran và Sanafir trên Biển Đỏ cho Saudi Arabia.

Quyết định này được cho là "bật đèn xanh" cho Cairo tiến hành chuyển giao 2 hòn đảo chiến lược này cho Riyadh.

Thỏa thuận điều chỉnh biên giới biển được Ai Cập và Saudi Arabia ký kết ngày 8/4/2016 sau chuyến thăm 5 ngày tới Cairo của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdel-Aziz.

Thỏa thuận quy định rằng đảo Tiran và Sanafir nằm ở cửa Nam vịnh Aqaba trên Biển Đỏ thuộc vùng biển của Saudi Arabia.

Do vậy, Chính phủ Ai Cập quyết định chuyển giao 2 hòn đảo Tiran và Sanafir cho Saudi Arabia, động thái làm dấy lên những tranh cãi và làm bùng phát làn sóng biểu tình.

Những người chỉ trích cho rằng thỏa thuận giữa Cairo và Riyadh liên quan đến hai đảo Tiran và Sanafir vi phạm Hiến pháp hiện hành của Ai Cập và quyết định của chính quyền là "hành vi bán đất" để đổi lấy đầu tư của Saudi Arabia, đồng thời kêu gọi "chính phủ từ chức."

Làn sóng biểu tình bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong đó có thủ đô Cairo. Hơn 250 người biểu tình đã bị bắt giữ vì tội "biểu tình trái phép."

Bất ổn cũng dấy lên căng thẳng giữa Cairo và Riyadh, một trong những nước viện trợ chính của Ai Cập kể từ chính biến lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi năm 2013.

Gần đây, Saudi Arabia đã tạm dừng chuyển dầu mỏ cho Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục