Bên thứ ba trong đụng độ tại Thái Lan

Ai là bên thứ ba trong vụ đụng độ tại Thái Lan?

Loại lựu đạn M67, chỉ có trong kho quân nhu của quân đội hoặc cảnh sát Thái Lan, đã được dùng để tấn công lực lượng chức năng.
Ai là bên thứ ba trong vụ đụng độ tại Thái Lan? ảnh 1Người biểu tình chống chính phủ tập trung tại thủ đô Bangkok ngày 20/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/2, cảnh sát Thái Lan cho biết trong vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình ở gần tòa nhà chính phủ hai ngày trước, người ta đã sử dụng loại lựu đạn M67 chỉ có trong kho quân nhu của quân đội hoặc cảnh sát Thái Lan để tấn công lực lượng chức năng.

Vụ đụng độ đã làm nhiều người chết và hàng chục người bị thương

Thông tin nói trên đã được đại diện cảnh sát xác nhận, trong đó nói rằng quả lựu đạn M67 được ném về phía cảnh sát trong chiến dịch lấy lại các cơ quan chính quyền của cảnh sát là loại vũ khí có tính sát thương cao, chứ không phải bom nhân tạo như mọi người lầm tưởng.

Truyền hình Thái Lan đã cho chiếu lại cảnh một cảnh sát đang đá trái lựu đạn đó khỏi khu vực của mình thì nó phát nổ. Viên sỹ quan này cùng nhiều cảnh sát trong đội chống bạo động của anh ta đã bị thương rất nặng trong vụ nổ trên.

Vụ nổ này tạo ra một cột khói đen lớn, khiến nhiều cảnh sát nằm lăn ra đường và không thể gượng dậy được. Nó khác hẳn với bom tự tạo, thường tạo ra những đám khói trắng và không có tính sát thương nhiều.

Loại lựu đạn M67 do Mỹ sản xuất đang được các binh sỹ và cảnh sát Thái Lan sử dụng và người ném trái lựu đạn này phải là người được đào tạo rất bài bản vì lực lượng chức năng không thể tìm thấy chốt an toàn của nó bị bỏ lại trên hiện trường.

Phía quân đội Thái Lan đã bác bỏ những lời đồn đoán về việc có quân nhân tham gia tấn công cảnh sát trong vụ đụng độ này. Theo thống kê mới nhất thì vụ này đã khiến 5 người chết, trong đó có một cảnh sát và 71 người bị thương, trong đó có 19 cảnh sát.

Quân đội cho rằng những thông tin về việc quân đội giúp đỡ người biểu tình chống lại cảnh sát là nhằm gây xung đột giữa các lực lượng chức năng trong chính quyền. Binh lính được bố trí ở những khu vực xung đột chỉ nhằm cứu trợ khẩn cấp cho tất cả mọi người.

Theo Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut, các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra các loạt đạn được bắn lên trời ở các vị trí của người biểu tình. Ông này cho rằng dường như có một số người đang muốn tạo nên tình trạng căng thẳng và thực tế các cuộc tấn công lực lượng chức năng được tiến hành chuyên nghiệp và bài bản.

Cảnh sát khẳng định đã thực hiện đúng các biện pháp trong chiến dịch "Khôi phục hòa bình cho Bangkok," cảnh sát ở tuyến trước chỉ sử dụng khiên và dùi cui, ở tuyến sau mới được trang bị súng trường M16 để bảo vệ các đồng đội ở tuyến trước trong trường hợp khẩn cấp. Theo thống kê, cảnh sát chưa bắn một phát đạn nào mà họ chỉ giơ lên nhằm thị uy.

Bên phía những người biểu tình, trong thời gian xảy ra đụng độ, xuất hiện rất nhiều tay súng bịt mặt cầm súng AK bắn hàng loạt lên trời nhằm tạo ra một bầu không khí ngột ngạt với tiếng súng nổ liên tục. Xung quanh những tay súng này, luôn có hàng nhóm người cũng bịt mặt.

Họ liên tiếp giải thích với phóng viên và mọi người chứng kiến rằng hành động này không nhằm vào ai, đồng thời đe dọa sẽ tịch thu hoặc phá hủy các phương tiện hành nghề của phóng viên nếu chụp hoặc ghi hình lại việc họ xả súng. Một người chụp ảnh qua đường đã buộc phải xóa những bức hình chụp được trong sự giám sát của họ thì mới được phép ra đi.

Những hành động này dường như nhằm để tạo cớ cho Tòa án dân sự ra phán quyết hủy bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vào hôm sau.

Đảng Dân chủ đối lập đã tiến hành kiện Chính phủ Thái Lan liên quan tới việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và những khu vực lân cận.

Theo họ, người biểu tình tổ chức phản đối một cách hòa bình, đúng luật pháp và chỉ có lực lượng chức năng mới là bên tiến hành trấn áp người biểu tình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục