Airbus thử nghiệm hệ thống tự điều khiển máy bay nếu phi công bất tỉnh

DragonFly có thể tự động hạ cánh trên bất kỳ đường băng nào bằng cảm biến và thuật toán phân tích hình ảnh gửi về máy tính.
Airbus thử nghiệm hệ thống tự điều khiển máy bay nếu phi công bất tỉnh ảnh 1Hệ thống mới đang được thử nghiệm trên một chiếc Airbus A350-1000. (Nguồn: Engadget)

Các hệ thống hỗ trợ tự lái đã không còn giới hạn ở những chiếc ô tô nữa. Theo trang tin Engadget, công ty Airbus đã bắt đầu thử nghiệm tính năng hỗ trợ phi công điều khiển máy bay mang tên DragonFly (Chuồn chuồn). Hệ thống này đặc biệt ở chỗ nó có thể cứu máy bay trong trường hợp khẩn cấp.

Airbus xác nhận rằng công ty đang thử nghiệm DragonFly trên một chiếc máy bay Airbus A350-1000 được trang bị camera hiện đại. Hệ thống hoạt động dựa vào một công nghệ tiên tiến, lấy cảm hứng từ cách thức chuồn chuồn di chuyển thông qua việc nhận dạng các cột mốc khác nhau trong môi trường. Hệ thống vẫn đang được phát triển bởi một công ty con của Airbus, mang tên Airbus UpNext.

“Lấy cảm hứng từ hoạt động mô phỏng sinh học, các hệ thống đang trong thử nghiệm của chúng tôi được thiết kế để xác định những đặc điểm trong khung cảnh xung canh, qua đó cho phép máy bay 'nhìn thấy' và tự động điều hướng một cách an toàn, giống như cách chuồn chuồn nhận ra các cột mốc khác nhau ngoài đời sống vậy ,” Isabelle Lacaze, người đứng đầu Airbus UpNext cho biết.

Việc triển khai công nghệ mới sẽ khiến cho ngày nào đó, máy bay sẽ hoạt động hoàn toàn tự động, hoặc buồng lái chỉ cần một phi công điều khiển. Theo nhiều hãng hàng không, khả năng hạ cánh hoàn toàn tự động có thể loại bỏ nhu cầu về phi công phụ trong các chuyến bay thương mại được thực hiện ngay sau năm 2030. Tuy nhiên ý tưởng này, vốn cho phép các hãng hàng không cắt giảm nhân sự và chi phí liên quan, đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các phi công.

Hiệp hội Phi công Australia và Quốc tế (AIPA), một hiệp hội chủ yếu đại diện cho các phi công của hãng Qantas, tuyên bố rằng trong tình huống khẩn cấp, các hệ thống tự động hoá không thể thay thế được kinh nghiệm và hoạt động đào tạo phi công bài bản.

“Việc đặt niềm tin rằng một chế độ lái tự động có thể giúp tiết kiệm thời gian là điều điên rồ. Khi sự cố xảy ra trên một chiếc máy bay, chúng diễn ra rất nhanh và thường phải có sự phối hợp đầy nỗ lực của cả hai phi công được đào tạo bài bản, được nghỉ ngơi đầy đủ. Chỉ có thế họ mới giải quyết được những tình huống như vậy," ông Tony Lucas, Chủ tịch AIPA cho biết.

Lucas tin rằng các hệ thống tự động hóa chỉ nên là một công cụ hỗ trợ phi công, chứ không phải là công cụ thay thế, viện dẫn những trục trặc gần đây khiến Qantas phải loại bỏ chế độ lái tự động.

“Vì thế, bạn biết đấy, Airbus có thể tiếp tục mơ về cách thức để khiến cho một chiếc máy bay có thể tự động chuyển hướng trong tình huống khẩn cấp. Nhưng tôi không chắc làm thế nào hệ thống thực hiện việc chuyển hướng khẩn cấp nếu không có sự hiện diện của một phi công thực tế,” ông nói.

Tuy nhiên, Airbus cho biết thử nghiệm đã chứng tỏ DragonFly có khả năng thích ứng và phản ứng tốt nếu xảy ra tình huống thành viên phi hành đoàn mất khả năng lái. Nó cũng như hỗ trợ chiếc máy bay hạ cánh và lăn trên đường lăn.

Công ty tuyên bố: “Sau khi đã tính đến các yếu tố ngoại cảnh như khu vực bay, điều kiện địa hình và thời tiết, máy bay có thể tự lập kế hoạch quỹ đạo bay mới và liên lạc với kiểm soát không lưu và trung tâm kiểm soát hoạt động của hãng hàng không”.

“Trong tình huống khó xảy ra, khi phi hành đoàn không thể điều khiển máy bay, DragonFly có thể chuyển hướng chuyến bay đến sân bay thích hợp gần nhất và tạo điều kiện để hạ cánh an toàn,” thông báo cho biết thêm.

Tuy nhiên Airbus cũng thận trọng khi nói rằng ở giai đoạn này, công nghệ DragonFly đang được phát triển như một cách để hỗ trợ phi hành đoàn, chứ không phải là một phương pháp thay thế họ. Nhưng theo các nhà quan sát, lịch sử cho thấy rằng sự phát triển của công nghệ đã làm giảm số lượng nhân viên vận hành máy bay thương mại, một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.

Ví dụ vào những năm 1950, máy bay phản lực thương mại luôn cần tổ lái 4 người, gồm hai phi công, một hoa tiêu và một kỹ sư máy bay. Trong những năm 1960, khi máy bay phản lực một lối đi xuất hiện, người hoa tiêu bị mất việc. Sau đó tới lượt viên kỹ sư máy bay cũng không còn gì để làm, khi các máy bay thân rộng xuất hiện trong thập niên 80.

Những cuộc thảo luận về việc buồng lái chỉ cần một phi công đã diễn ra được một thời gian. Nhiều hãng hàng không cho rằng công nghệ đã đạt đến thời điểm mà các phi công phụ không còn cần thiết nữa. Họ nêu ra luận điểm này vào thời điểm số lượng phi công đang thiếu hụt và chi phí thuê phi công rất đắt đỏ.

Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce gần đây nói rằng hãng "chắc chắn không thúc đẩy" việc tổ chức những chuyến bay chỉ có một phi công, do rủi ro an toàn cao. Nhưng Qantas cũng không loại trừ hoàn toàn khả năng này có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục