AL không công nhận Israel là nhà nước Do Thái

Ngày 9/3, Liên đoàn Arab (AL) đã bác yêu cầu của Israel về việc công nhận nước này là nhà nước Do Thái.
AL không công nhận Israel là nhà nước Do Thái ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Ngày 9/3, Liên đoàn Arab (AL) đã bác yêu cầu của Israel về việc công nhận nước này là nhà nước Do Thái.

Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng AL ở Cairo (Ai Cập) nêu rõ: "AL ủng hộ ban lãnh đạo Palestine trong nỗ lực nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trên những vùng đất của người Palestine, và nhấn mạnh phản đối việc công nhận Israel là một nhà nước Do Thái."

Trước đó, ngày 4/3, ủy viên ban chấp hành trung ương Phong trào Fatah của Palestine, ông Nabil Shaath cho rằng việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhất quyết đòi công nhận Israel là một nhà nước Do Thái "là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được" và thực chất là "một tuyên bố chính thức về việc đơn phương chấm dứt các cuộc đàm phán."

Palestine lo ngại đòi hỏi này của Israel sẽ dẫn tới sự phân biệt đối xử chống thiểu số người Arab Israel, đồng thời hy vọng sẽ có thêm những thông điệp tương tự trong những ngày tới để thúc đẩy vị thế trên bàn đàm phán với Israel liên quan tới các vấn đề cốt lõi.

Trong khi đó, Israel cho rằng yêu cầu này nhằm công nhận lịch sử và quyền của người Do Thái trên mảnh đất này.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Thủ tướng Netanyahu đã phản đối việc ngừng xây dựng các khu định cư như một biện pháp để mở rộng cuộc đàm phán hòa bình với Palestine do Mỹ hỗ trợ.

Phát biểu trên đài phát thanh, ông Netanyahu cho rằng việc ngừng xây dựng như vậy "sẽ chẳng phục vụ điều gì." Ông nói: "Chúng tôi đã buộc phải chấp nhận một điều kiện như vậy trong quá khứ và nó không đem lại kết quả gì."

Ý ông Netanyahu muốn nói đến việc ngừng xây dựng trong 10 tháng mà ông đưa ra trong thời gian diễn ra vòng cuối cuộc hòa đàm với Palestine kết thúc hồi năm 2010.

Việc Israel tiếp tục xây mới nhà định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của người Palestine luôn là trở ngại chính cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang nỗ lực để giúp Israel và Palestine đạt thỏa thuận khung về việc kéo dài các cuộc hòa đàm trực tiếp sau thời hạn chót đặt ra là ngày 29/4 tới.

Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng về những vấn đề chính, bao gồm đường biên giới, an ninh, nhà định cư, thành phố Jerusalem và người tị nạn Palestine.

Tổng thống Palestine Mahmud Abbas khẳng định sẽ không đồng ý kéo dài các cuộc đàm phán nếu Israen không thả tù nhân Palestine và ngừng xây dựng các khu định cư.

Dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc gặp với ông Abbas vào ngày 17/3 tới ở Nhà Trắng, sau cuộc gặp với ông Netanyahu hồi tuần trước.

Liên quan đến vấn đề Syria, phát biểu sau cuộc họp Ngoại trưởng nói trên, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi cho biết chiếc ghế của Syria tại tổ chức này sẽ tiếp tục bị bỏ trống cho tới khi phe đối lập thành lập được các thể chế của họ.

Tuy nhiên, AL vẫn mời người đứng đầu Liên minh dân tộc Syria (SNC) Ahmad Jarba tới phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh AL ngày 25/3 tới tại Kuwait.

Về mặt nguyên tắc, Hội nghị thượng đỉnh Arab lần gần đây nhất tại Doha (Qatar) hồi tháng 3/2012 đã trao chiếc ghế của Syria trong AL cho phe đối lập nước này. Tuy nhiên, đến nay lực lượng này vẫn chưa thiết lập được các thể chế của họ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục