Ảm đạm thị trường hàng mã dịp Tết Nguyên đán

Còn gần 10 ngày nữa là đến ngày “tiễn ông Táo về chầu trời", nhưng khác mọi năm, đến thời điểm này, thị trường hàng mã vẫn khá "chìm".
Còn gần 10 ngày nữa là đến ngày “tiễn ông Táo về chầu trời", nhưng khác với mọi năm, đến thời điểm này, thị trường hàng mã vẫn khá "chìm". Người mua túc tắc khiến phần lớn hàng hóa vẫn đang trong tình trạng nằm kho.

Người mua ít, chủng loại  khiêm tốn

Ngay từ đầu tháng Chạp, các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Đào, Hàng Bông (Hà Nội) đã bày hàng để đón ngày ông Táo về chầu trời. Tuy nhiên chủng loại và số lượng còn rất khiêm tốn, sức tiêu thụ hiện vẫn chậm.

Chị Hiên, chủ một gian hàng tại phố Hàng Mã than phiền: "Thời tiết mưa, lạnh kéo dài trong mấy ngày qua cản trở hoạt động mua sắm của mọi người, khiến việc bán hàng đã ảm đạm càng ảm đạm hơn".

Đến thời điểm này, ngoài những mặt hàng quen thuộc và cần thiết trong ngày ông Công, ông Táo như tiền, vàng, bộ đồ lễ Táo quân với đầy đủ mũ, giày, cũng thấy "thấp thoáng" ngựa giấy, nhà lầu, biệt thự. Cá chép giấy, một mặt hàng có mặt trong danh sách hàng mã ngày ông Táo chầu trời từ mấy năm trước thì năm nay chưa thấy xuất hiện.

Theo chị Lê Vân, chủ cửa hàng 23 Hàng Mã, những mặt hàng như nhà lầu, biệt thự, ôtô vẫn có người mua nhưng rất ít, chủ yếu là những gia đình khá giả.  Số lượng hàng hóa được bày bán vẫn còn ở mức "cầm chừng".

Chị Hồng, chủ cửa hàng số 4 Hàng Mã cho biết: "Mấy hôm nay chưa thực sự vào vụ nên chúng tôi không bày nhiều. Giờ chỉ bày tạm, bán dần để khách biết mình có bán".

Theo kinh nghiệm của các cửa hàng thì từ 15 tháng Chạp trở đi sẽ là thời điểm bán được nhiều hàng. Cao điểm là các ngày từ 20-23.

Tuy hàng mã cho ngày ông Công, ông Táo chưa được bày bán nhiều nhưng ngay từ đầu tháng Chạp cũng đã rậm rịch có người đi sắm. Do quá bận với công việc nên họ tranh thủ đi mua sớm, thậm chí còn mua luôn tiền vàng để dự trữ đốt trong đêm giao thừa và Rằm tháng Giêng. Ngoài ra cũng có người muốn mua sớm để có hàng đẹp.

Trước rằm tháng Chạp, giá tăng khoảng 10-15%

Đa phần hàng mã bày bán tại một số phố của Hà Nội được nhập từ làng Đông Hồ (Bắc Ninh) hoặc sản xuất thủ công tại chính các cửa hàng. Tuy nhiên, giá không chênh nhau là mấy. Giá cả các loại mặt hàng biến động tùy theo kích cỡ, chất lượng.

Chủ một số cửa hàng cho biết so với năm ngoái, giá năm nay tăng phổ biến ở mức 10-15%. Cụ thể giá bộ đồ lễ táo quân gồm 3 mũ cánh chuồn (chất liệu giấy màu bóng) loại nhỏ đã tăng từ 35.000 lên 40.000 đồng; loại to thì tăng từ 45.000 lên 50.000 đồng/bộ; tiền vàng từ 7.000 lên 8.000 đồng/đinh.

Vào những ngày sát lễ, giá cả có xu hướng tăng thêm một vài phần trăm tùy loại. Lý giải về việc hàng mã năm nay tăng giá, phần lớn các chủ cửa hàng đều cho rằng do giá vàng tăng, giá xăng dầu cao kéo theo chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu cao.

Bên cạnh đó, các chợ hay các gánh hàng rong cũng là những địa chỉ mà nhiều người tìm đến mua. Hàng ở đây có giá rẻ hơn do được làm bằng chất liệu giấy thô, xỉn màu.

Do quan niệm hàng mã là thứ đốt để lấy lộc nên người bán ít "hét" giá mà người mua thì thường "miễn mặc cả". Cho nên đối với nhiều người, hàng mã được coi là loại hàng dễ bán./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục