Âm nhạc kết nối trái tim người dân Việt Nam và Nhật Bản

anh1-1567678985-84.jpg

“Từ bao la ta quay về đây với nhau. Ta sinh ra bên nhau, cho nhau yêu thương là để hạnh phúc” – Đây là thông điệp của dự án âm nhạc “Lý do tôi sinh ra” vừa ra mắt công chúng nhằm kết nối tình cảm giữa những người con Việt Nam trên đất Nhật Bản, cũng như giữa nhân dân hai nước Việt-Nhật.

Một nhạc phẩm mang âm hưởng Việt Nhật

Dự án này được thực hiện bởi Hội người Việt Nam tại Nhật Bản và ca sỹ Phạm Hải Triều, người đã có gần 20 năm sinh sống tại Nhật Bản.

Hải Triều được biết đến như một ca sĩ chuyên hát nhạc song ngữ Việt-Nhật. Anh đã viết lời Việt cho ca khúc “Inochi No Riyuu” do ca sỹ kiêm nhạc sỹ nổi tiếng ở Nhật Bản Sada Masashi sáng tác, với mong muốn truyền tải những thông điệp đầy ý nghĩa của bài hát về cuộc sống, gia đình, tình yêu và bạn bè.

MV bản tiếng Việt của ca khúc được lên ý tưởng từ cuối năm 2018 và khởi quay đầu năm 2019. Hải Triều cùng ê kíp của mình đã thực hiện MV này tại hai thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo, Osaka và khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thừa Thiên-Huế.Hơn 100 “diễn viên” người Việt Nam và Nhật Bản đã tham gia MV, trong đó có những nhân vật có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng người Việt tại Nhật như ông Trần Ngọc Phúc – Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, sư cô Thích Tâm Trí – Chủ tịch Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, và bà Watanabe Kazuyo – người phụ nữ Nhật đã vận động hơn tám tỷ đồng cho bệnh nhi ung thư tại Huế,… cùng sự góp mặt của rất nhiều nghệ sỹ, nhà giáo, học sinh, sinh viên Việt Nam và Nhật Bản.

  • 69712212101-1567746911-81.png
  • 69543952727-1567747034-75.png
  • 70716126488-1567747077-17.png
  • 69505957250-1567747086-6.png
  • 69592294248-1567747095-49.png
  • 69650855390-1567747550-46.png
  • 69584355263-1567747563-77.png
  • 69710654933-1567747630-35.png
  • 69878425526-1567747841-23.png

Điều khiến cho chàng ca sỹ gốc Huế này có động lực để viết lời Việt cho ca khúc trên là anh thực sự yêu mến giai điệu nhẹ nhàng, ca từ sâu lắng và những triết lý nhân sinh sâu sắc ẩn chứa trong đó, cũng như những thông điệp tốt đẹp về tình yêu, gia đình, bạn bè và sự kết nối giữa con người và con người.Khi được hỏi về kỳ vọng của mình đối với dự án âm nhạc kết nối cộng đồng đầu tiên này, Hải Triều tâm sự anh hy vọng có thể gắn kết người dân hai nước Việt-Nhật với nhau bằng âm nhạc, mong muốn mọi người sẽ đến với nhau bằng sự yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn như chính lời dịch trong ca khúc.

Từ bao la xa xôi tôi sinh ra nơi đây, trên cõi đời ở đâu đây có người đã dìu tôi lúc tôi gục ngã

Từ bao la xa xôi tôi sinh ra nơi đây, trên cõi đời ở đâu đây tôi sẽ lại cùng ai giúp người quanh mình.

Hải Triều cho biết đối với anh điều hạnh phúc nhất là nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các thành viên trong ê kíp và Hội người Việt Nam tại Nhật để hoàn thành MV này.

“Tôi rất cảm động khi mọi người đều nhiệt tình giúp đỡ tôi thực hiện MV này. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là cảnh quay cùng với Giáo sư Shimizu Masaaki, cô giáo Kondo Mika và sinh viên Bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Osaka. Mọi người đã đề nghị được quay cùng biểu tượng của trường – là chiếc đồng hồ lớn giữa trường – để làm kỷ niệm, vì khoa sắp chuyển đến nơi khác. Hôm chúng tôi đến quay, tất cả các em sinh viên và hai thầy cô giáo đã đứng tập luyện từ rất sớm. Hình ảnh đó khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi cũng rất vui khi được trò chuyện với các em người Nhật bằng tiếng Việt.”

Các bạn sinh viên bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Osaka đã tập trung từ rất sớm để thực hiện cảnh quay trong MV. (Ảnh do ca sĩ Phạm Hải Triều cung cấp)
Các bạn sinh viên bộ môn Tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Osaka đã tập trung từ rất sớm để thực hiện cảnh quay trong MV. (Ảnh do ca sĩ Phạm Hải Triều cung cấp)

Âm nhạc kết nối tâm hồn

Âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta. Có rất nhiều cách để kết nối con người với con người, nhưng âm nhạc chính là một trong những liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất để gắn kết những tâm hồn với nhau, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, người đã cùng vợ tham gia MV của Hải Triều chia sẻ.Đặc biệt, theo ông Phúc, người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời mình ở đất nước Mặt Trời mọc, những giai điệu mang tâm hồn Việt sẽ phần nào xoa dịu nỗi nhớ nhà của du học sinh và những người sống xa quê hương.

Ông Phúc tâm sự điều khó khăn nhất đối với ông khi thực hiện MV này của Hải Triều là thuyết phục vợ mình cùng tham gia một cảnh quay. Thường thì vợ ông không tham gia những hoạt động cộng đồng như vậy và cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng bởi bà chỉ muốn đứng đằng sau hỗ trợ ông. Tuy nhiên, sau khi xem MV của Hải Triều thì cả hai đều xúc động vì cảnh quay rất đẹp, ông chia sẻ.Trong khi đó, chị Kondo Mika, giáo viên dạy tiếng Việt tại Đại học Osaka, người cũng xuất hiện trong MV của Hải Triều, chia sẻ rằng chị vốn yêu mến giọng hát nhẹ nhàng của Hải Triều và thường sử dụng các bài hát của anh khi dạy tiếng Việt. Vì thế chị đã rất bất ngờ khi nghe Hải Triều nói về dự án này và không thể tin rằng chị sẽ xuất hiện trong MV của anh.

“Bài hát này mang thông điệp về tầm quan trọng của cuộc sống và sự gắn bó giữa con người. Tôi cho rằng trong xã hội hiện nay, có rất nhiều chuyện đau lòng có thể đã xảy ra vì người ta coi nhẹ hai điều đó. Vì vậy, tôi tin rằng việc thể hiện lại bài hát tại thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng,” chị bày tỏ.

Cùng xuất hiện trong MV của Hải Triều, Nguyễn Đức, một biểu tượng của sự đoàn kết giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản, nói anh đã nghe đi nghe lại lời bài hát do Hải Triều dịch với một cảm xúc khó tả. Đức cho biết anh đã bật khóc khi nghe ca khúc này. Đối với anh, lời bài hát giống như một triết lý nhân sinh sâu sắc chạm vào trái tim người nghe, và giúp anh có suy nghĩ tích cực hơn và cố gắng hơn trong cuộc sống.Là giáo viên dạy tiếng Nhật tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, chị Trần Phương Liên cho biết thông qua MV của Hải Triều, học sinh của chị đã được giao lưu, kết nối với cộng đồng người Việt ở Nhật Bản cũng như những người học tiếng Nhật ở Việt Nam.

  • phuc1-1567745049-52.jpg
  • lien1-1567745092-78.jpg
  • kondo1-1567745119-99.jpg
  • hautruong1-1567745191-14.jpg

Lý do tôi sinh ra …

Mỗi cá nhân trong số hơn 100 “diễn viên” người Việt Nam và Nhật Bản tham gia MV “Lý do tôi sinh ra” của Hải Triều đều mang trong mình những câu chuyện riêng.

Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản từ năm 2017, ông Phúc chia sẻ trước khi nhận vị trí này, ông không thường xuyên giao tiếp với cộng đồng người Việt bởi ông đang tập trung vào nghiên cứu để phát minh ra những dụng cụ y tế góp phần cứu giúp sinh mạng con người.

Tuy nhiên ông Phúc tin rằng mọi thứ đều xuất phát từ cái tâm của mình, và điều quan trọng là ông và gia đình vẫn luôn hướng về quê hương và mong muốn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông nói: “Sau hai năm làm Hội trưởng, tôi đã quay lại với cộng đồng người Việt tại Nhật và nói chuyện nhiều hơn với các bạn trẻ. Lúc mới gặp, Hải Triều không biết tôi là người Việt Nam, cậu ấy nghĩ tôi là người Nhật có thể nói được tiếng Việt.”

Ông Phúc cho biết có rất nhiều người Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để đạt vị trị cao trong xã hội Nhật Bản là điều rất khó. Chìa khóa để thành công trên xứ sở hoa anh đào là việc tạo dựng được niềm tin của công chúng. Ông khuyên du học sinh nên tiếp thu những nét đẹp văn hóa và giá trị đạo đức của nước sở tại chứ không chỉ tập trung vào những lý thuyết được dạy trên giảng đường để có thể hoàn thiện bản thân mình.

Nhiếp ảnh gia “phải lòng” Việt Nam

Nhiếp ảnh gia, phóng viên tự do Murayama Yasufumi (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhiếp ảnh gia, phóng viên tự do Murayama Yasufumi (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Murayama đã “phải lòng” Việt Nam ngay từ lần đầu tiên vào năm 1998 khi anh cùng thầy giáo đến dự một buổi triển lãm ảnh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó anh luôn muốn quay trở lại Việt Nam nhiều lần nữa để ghi lại những thay đổi của đất nước và con người Việt Nam qua ống kính máy ảnh của mình.

“Trước đây, khi mẹ tôi bị xuất huyết não, bà đã ví tôi như một kẻ nay đây mai đó, vậy mà các bạn Việt Nam vẫn mong chờ tôi đến với đất nước họ. Bà nói bà không còn sống được bao lâu nữa và khuyên tôi hãy dâng hiến cuộc đời này của mình cho đất nước Việt Nam,” Murayama chia sẻ.

Murayama cho biết sau hơn 20 năm tiếp xúc với văn hóa Việt Nam, anh nhận ra rằng mình không chỉ thích, mà còn rất yêu Việt Nam, mặc dù anh đã từng gặp khó ở đất nước này, nhưng vẫn cảm thấy bản chất con người Việt Nam chất phác, tốt bụng và vô cùng rộng lượng. “Nhưng nếu tôi thể hiện cảm giác đó bằng từ ‘thích’ thì chắc tôi không còn muốn tới Việt Nam nữa,” anh nói.Việt Nam như một “người yêu”Murayama ví Việt Nam như người yêu của anh. Tuy nhiên anh chia sẻ vẫn chưa tìm ra được lý do điều gì khiến anh lại “phải lòng” đất nước hình chữ S này đến vậy. Do đó anh đã nhiều lần đến Việt Nam để tìm câu trả lời.

“Tôi chỉ có hai tình yêu lớn, đó là vợ tôi và Việt Nam. Tôi gặp Việt Nam trước khi gặp vợ mình. Cô ấy hiểu tình cảm của tôi dành cho đất nước này và nói vui rằng thà tôi yêu Việt Nam còn hơn là đi ngoại tình,” Murayama tâm sự.

Khi chia sẻ kỷ niệm về chuyến đi tới Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2014, Murayama cho biết anh đã có cơ hội được lên một chiếc tàu tuần tra của Việt Nam đi đến các đảo của Hoàng Sa. Anh nói: “Bộ đội Việt Nam rất dũng cảm và tốt bụng. Hình ảnh những người lính Việt Nam luôn quên mình bảo vệ chủ quyền đất nước là một hình ảnh đẹp trong mắt tôi. Tôi đã ăn cùng những người lính đó, cùng họ trò chuyện về gia đình và tình yêu.”

Cô giáo người Nhật yêu tà áo dài Việt Nam

Cô giáo Kondo Mika (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô giáo Kondo Mika (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Kondo biết đến Việt Nam lần đầu tiên khi còn là một nữ sinh tiểu học, khi chị nhìn thấy hình ảnh những cô gái Việt Nam thướt tha trong tà áo dài trên ti vi.

“Hình ảnh đó rất ấn tượng với tôi và khiến tôi quyết định sẽ học tiếng Việt khi vào đại học. Sau đó, thông qua việc học tiếng, tôi được gặp những người Việt Nam thân thiện và tốt bụng, cùng họ thưởng thức những món ngon của địa phương. Và cuối cùng tình cảm của tôi với Việt Nam đã trở thành niềm đam mê, không thể cách xa được nữa,” chị Kondo cho biết.

Kondo đã đến Việt Nam gần 10 lần, lần đầu tiên là vào tháng Hai năm 2006. Chị cũng đã đặt chân tới nhiều tỉnh, thành phố khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam mà chị đã liệt kê ra là Cao Bằng, Sa Pa (Lào Cai), Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bến Tre, Tây Ninh và Mỹ Tho (Tiền Giang).

“Tôi không thể nói thích nơi nào nhất được vì mỗi nơi đều có điểm thú vị rất riêng và đặc trưng. Song có lẽ chuyến đi giàu cảm xúc nhất với tôi là vào năm 2010 đến tỉnh Bến Tre, quê hương của nhà văn, nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký. Tôi đã tham khảo các tác phẩm của ông khi làm bài luận tốt nghiệp và luận văn thạc sỹ. Cảnh sắc tươi đẹp và lòng mến khách của người dân xứ dừa đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Điều tôi yêu mến nhất ở tính cách con người Việt Nam chính là sự cảm thông và giàu lòng vị tha,” Kondo chia sẻ.

Lần gần đây nhất chị đến Việt Nam là tới Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Hai năm nay trong một chuyến công tác ngắn ngày. Chị đã đi thăm một số trung tâm giáo dục tự nguyện tại thành phố và đề xuất việc tổ chức chương trình giao lưu tại Nhật Bản dành cho trẻ em Việt Nam nhằm tạo ra môi trường học tập thú vị cho các em. Ngoài công việc giảng dạy ở trường Đại học Osaka, Kondo còn dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản. Nhật Bản là “quê hương thứ hai”

Anh Nguyễn Đức (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Nguyễn Đức (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Năm 1988, lần đầu tiên tại Việt Nam, ca phẫu thuật để tách một cặp song sinh dính liền được thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của các chuyên gia và công nghệ y học Nhật Bản. Sau ca phẫu thuật kéo dài 17 tiếng đồng hồ, người anh trai Nguyễn Việt chịu tổn thương não trong khi sức khỏe của người em Nguyễn Đức dần dần hồi phục. Việt đã qua đời năm 2007 vì viêm phổi và suy thận.Sống với một chân cùng những bộ phận cơ thể chung trước kia của hai anh em, Đức đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và đang làm công việc hành chính tại bệnh viện Từ Dũ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh hiện sống cùng vợ và hai đứa con sinh đôi.

“Nhật Bản mãi mãi là quê hương thứ hai trong trái tim tôi. Với tôi Nhật Bản không chỉ là một đất nước xinh đẹp và phát triển mà còn sở hữu nền văn hóa đặc sắc. Tôi thích phong cách làm việc của người Nhật, điều mà tôi có thể học hỏi và áp dụng rất nhiều vào cuộc sống hiện tại của mình,” anh Đức chia sẻ.

Anh Đức tin rằng mình đã có duyên với “xứ sở hoa anh đào” từ cái nhìn đầu tiên và từ khi được điều trị bệnh trong một năm rưỡi tại Kobe. “Đó là khoảnh khắc mà tôi vẫn nhớ mãi, luôn in đậm trong tâm trí tôi, và đến giờ tôi vẫn xem đó là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của mình cho dù tôi đã đi khắp nước Nhật và đến đây gần 50 lần rồi.” Hơn 20 năm qua, anh Đức vẫn hoạt động với vì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và là ủy viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia tổ chức nhiều hoạt động đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước, từ văn hóa, ngoại giao đến kinh tế.

Cô giáo dạy tiếng Nhật trên xe lăn     

Cô giáo Trần Phương Liên và học sinh (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô giáo Trần Phương Liên và học sinh (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Trần Phương Liên sống cùng với gia đình mình ở Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hằng ngày khi ở dưới hầm trú ẩn, qua loa phóng thanh, chị nghe một bài hát phản đối chiến tranh của người dân Nhật Bản. Ngày miền Nam được giải phóng, trở về quê hương Thừa Thiên-Huế cùng với gia đình, chị đã tự học và tìm hiểu ý nghĩa của bài hát.

Chị Liên chia sẻ chị được các thầy giáo người Nhật dạy tiếng và sau này trở thành giáo viên tiếng Nhật. Chị yêu tiếng Nhật, cảm mến và yêu hơn đất nước mặt trời mọc từ một bài ca như vậy. Và qua bao hoạt động, chị được ví là một cầu nối gắn kết văn hoá hai nước Việt-Nhật, trở thành ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.Năm 1996, người phụ nữ mất khả năng đi lại nhưng rất giàu nghị lực ấy đã mở lớp dạy tiếng Nhật và lớp học thu hút ngày càng đông học viên. Cùng với đó, nhiều người Nhật Bản đến Việt Nam sống và kinh doanh cũng đến với lớp học của chị để học tiếng Việt và những nét đẹp văn hóa Huế nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.Chị Liên cho biết những hoạt động giao lưu văn hoá như việc phổ cập ngôn ngữ đến mỗi một người dân thông qua các bài hát song ngữ là một cách tuyệt vời để kết nối trái tim người dân hai nước Việt-Nhật, đưa họ đến gần nhau hơn.Chị chia sẻ rằng mỗi khi có cơ hội đi Nhật hay tiếp xúc với các bạn Nhật Bản đến Việt Nam, đến Huế, chị đều giới thiệu ẩm thực Việt Nam, dạy họ những từ tiếng Việt đơn giản và đưa họ đi tham quan những phong cảnh đẹp của quê hương mình, để giúp những vị khách Nhật Bản càng thêm yêu Huế, yêu đất nước và con người Việt Nam hơn.

“Tôi thường nói với học sinh của mình rằng chúng ta hãy thật sự yêu đất nước, quê hương mình, yêu từng câu ca, từng phong cảnh, từng món ăn dân tộc, rồi chúng ta sẽ có sức truyền cảm mạnh mẽ đến không chỉ người Nhật, mà còn đến tất cả các bạn bè quốc tế mà chúng ta có cơ hội tiếp xúc.”

Niềm tin gắn kết những người con Việt trên đất Nhật

Ông Trần Ngọc Phúc tin rằng lòng tin có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối người dân Việt Nam và Nhật Bản bởi con người ta chỉ đến với nhau, xích lại gần nhau khi có lòng tin. Ngược lại nếu mất đi lòng tin của mọi người thì sẽ rất khó để lấy lại.Với tư cách là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, ông Phúc tâm sự ông cần là một người có trách nhiệm, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân của mình thì mới giành được sự tin tưởng và ủng hộ của những người Việt trên nước Nhật.

Khi đề cập đến những hoạt động kết nối cộng đồng Việt-Nhật trong thời gian tới, ông Phúc hy vọng có thể thông qua với các cơ quan báo chí để xây dựng một kênh truyền hình dạy tiếng Việt và giới thiệu văn hóa Việt dành cho người dân Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.Ông Phúc cho biết ông rất vui khi hiện nay đã có một số lớp dạy tiếng Việt ở Shinjuku, một quận ở trung tâm Tokyo. Tuy nhiên, vì điều kiện đường xá xa xôi nên không phải ai cũng có thể tới lớp học, nên ông cho rằng việc tạo lập một kênh truyền hình tiếng Việt là điều tốt nhất mà Hội người Việt Nam tại Nhật sẽ làm để góp phần giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt và văn hóa Việt, đặc biệt là cho các thế hệ người Việt tương lai tại Nhật Bản.Cùng chung mục đích này, Hải Triều chia sẻ trong thời gian tới, anh mong muốn được làm việc nhiều hơn với Hội để tổ chức những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp giúp các em nhỏ người Việt có khả năng ca hát phát huy tài năng của mình, đồng thời tham gia các chương trình giao lưu, kết nối văn hóa hai nước, các chương trình âm nhạc từ thiện, gây quỹ để giúp đỡ những người Việt có hoàn cảnh khó khăn tại nước Nhật, giúp họ hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tốt hơn.Thông qua dự án âm nhạc “Lý do tôi sinh ra”, Hải Triều cho biết anh hi vọng xây dựng một cộng đồng người Việt vững mạnh ở đất nước Nhật Bản và lan tỏa tình cảm yêu thương, ấm áp đến người dân hai nước như chính lời kết đẹp đẽ được dịch trong ca khúc

Từ bao la xa xôi tôi sinh ra nơi đây trên cõi đời

Là để tôi được gặp người mình yêu suốt đời của tôi

Từ bao la xa xôi tôi sinh ra nơi đây trên cõi đời

Là để tôi trọn đời được chở che cho người tôi yêu.

(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)
(Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam)