Âm vang Tây Nguyên giữa lòng Thủ đô Bắc Kinh

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể thế giới được giới thiệu ở Lễ hội văn hóa quốc tế, Trung Quốc.
Lần đầu tiên không gian văn hóa cồng chiêng-di sản văn hóa phi vật thể thế giới được các lưu học sinh Việt Nam mang đến hòa chung cùng 26 nền văn hóa khác nhau từ 5 châu lục tại Lễ hội văn hóa quốc tế lần thứ 12 do trường Đại học Nhân Dân Trung Quốc tổ chức.

Đến với lễ hội, khách thăm quan được thỏa sức khám phá các nền văn hóa trên thế giới, từ phương Đông đến phương Tây, từ nghệ thuật hội họa đến trang phục dân tộc, từ văn hóa ẩm thực đến trò chơi dân gian..., tất cả được hội tụ tại đây để bè bạn năm châu hiểu biết lẫn nhau, chung tay vì một thế giới tuổi trẻ và hòa bình.

Anh Đào Ngọc Báu, Phó Chủ tịch Hội lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh kiêm phụ trách lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc cho biết với chủ đề "Thanh xuân", lễ hội văn hóa quốc tế năm nay muốn ghi dấu những kỷ niệm của lưu học sinh khi học tập tại ngôi trường này.

Với hai gian hàng triển lãm, trại Việt Nam được thiết kế rất công phu, nhằm giới thiệu văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Chi đoàn và Chi hội lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc đã lấy cảm hứng từ văn hóa Tây Nguyên như nhà rông, cồng, chiêng...nét văn hóa nguyên sơ nhưng vô cùng mạnh mẽ để thiết kế trại triển lãm. Một lý do nữa là  “Đại ngàn Tây Nguyên” cũng sẽ là chủ đề cùa Năm du lịch quốc gia Việt Nam 2014.

Ngoài ra, gian hàng của lưu học sinh Việt còn trưng bày một số hiện vật, tranh ảnh giới thiệu đất nước con người Việt Nam.

Lưu học sinh Việt Nam nhiệt tình giới thiệu cách thức đánh cồng với các bạn bè quốc tế, những âm thanh phát ra từ chiếc cồng chỉ đơn giản thánh thót từng tiếng chứ chưa phải những bản nhạc tấu quen thuộc của người dân Tây Nguyên, nhưng đã gây sự chú ý của nhiều khách thăm quan.

Sinh viên Ali Djirdrien, người Cộng hòa Chad tâm sự: “Tôi thực sự xúc động khi lại được tận tay đánh cồng, ngày bé tôi đã từng nghe ba tôi giới thiệu về cồng chiêng của Việt Nam.”

Đặc biệt, trại triển lãm Việt Nam còn thu hút rất đông khách thăm quan bởi mùi thơm từ những chiếc nem rán, món ăn truyền thống của người Việt Nam, hương thơm nồng của cà phê Buôn Mê Thuột, hay những cốc chè đỗ xanh ngọt mát ngậy mùi sữa dừa.

Sinh viên Kim Pa Som, người Hàn Quốc tỏ ra rất thích thú khi được nếm món nem do chính các lưu học sinh Việt Nam trổ tài. Som nói: “Nem rất giòn và thơm, gian triển lãm Việt Nam là nơi có rất nhiều đồ ăn ngon.”

Khi thưởng thức cà phê Buôn Mê Thuột, Steven Brown, sinh viên mang quốc tịch Canada nhận xét: “Cà phê Việt Nam rất ngon, đậm đà, đúng hương vị thật của cà phê chứ không bị pha tạp. Tôi rất thích uống.”

Lễ hội không chỉ là dịp để các lưu học sinh quốc tế giao lưu học hỏi, tìm hiểu văn hóa của nhau, mà còn là  điểm đến của sinh viên và người dân Trung Quốc với mong muốn khám phá văn hóa thế giới đa sắc màu.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa rừng cờ của 26 quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Mông Cổ.... Đó chính là niềm tự hào dân tộc và động lực thúc đẩy để các lưu học sinh học tập và phấn đấu sánh ngang các cường quốc năm châu theo lời Bác Hồ đã dạy./.

Tường Thu/Bắc Kinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục