Amancio Ortega - Từ ông trùm thời trang đến đế chế bất động sản

Amancio Ortega hiện sở hữu 59% cổ phần của tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới Inditex (chủ của thương hiệu Zara) và còn nhiều thương vụ mua bán bất động sản đình đám nhất Tây Ban Nha.
Amancio Ortega - Từ ông trùm thời trang đến đế chế bất động sản ảnh 1Ông Amancio Ortega. (Nguồn: forbes.com)

Bén duyên với ngành công nghiệp thời trang từ năm 14 tuổi với công việc ban đầu là người giao áo sơmi nam và thợ may phụ, ông Amancio Ortega (sinh năm 1936 ở Tây Bắc Tây Ban Nha) đã trở thành người giàu thứ sáu thế giới và thứ hai ở châu Âu.

Theo chỉ số Billionaires Index của Bloomberg, giá trị tài sản ròng của Amancio Ortega vào khoảng 68,5 tỷ USD, trong khi Forbes ước tính con số này là hơn 70 tỷ USD.

Ortega bắt đầu làm nghề may tại nhà cùng với các anh chị em của mình vào đầu những năm 1960. Tới năm 1975, Ortega cùng với người vợ đầu là Rosalia Mera mở một cửa hàng mang tên Zara đầu tiên tại trung tâm thành phố La Coruna, Tây Ban Nha.

Với mô hình kinh doanh rất đơn giản là đưa sản phẩm từ các nhà thiết kế và nhà sản xuất tới cửa hàng càng nhanh càng tốt để cung cấp cho khách hàng những gì họ muốn, Zara đã khiến các nhà bán lẻ phải vật lộn để theo kịp tốc độ "thời trang ăn liền" (fast-fashion) của mình. Zara đã trở thành một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng và thành công nhất trên thế giới.

Kate Middleton, nữ Công tước xứ Cambridge, là một trong những người hâm mộ các thiết kế của Zara và người ta thường thấy những bức hình cô diện trang phục của hãng.

Năm 1985, Ortega đã “nâng cấp” Zara thành Tập đoàn Inditex Group, đưa tập đoàn này trở thành “đế chế” bán lẻ thời trang hàng đầu châu Âu, đồng thời “bao thầu” cả các thương hiệu khác bao gồm Massimo Dutti, Uterque, Zara Home, Stradivarius, Bershka, Oysho và Pull & Bear. Inditex Group hiện có hơn 7.500 cửa hàng ở 93 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, với 92.000 nhân viên.

Ông Ortega đã rút khỏi vị trí chủ tịch Inditex vào năm 2011, song ông vẫn sở hữu 59% cổ phần của tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới này. Không những vậy, ông còn bắt đầu lấn sân sang thị trường bất động sản.

Amancio Ortega - Từ ông trùm thời trang đến đế chế bất động sản ảnh 2Một cửa hàng của thương hiệu Zara. (Nguồn: dezeen.com)

Ortega sở hữu nhiều thương vụ mua bán bất động sản đình đám nhất Tây Ban Nha thông qua quỹ đầu tư Pontegadea Inversiones, trong đó đáng kể là thương vụ ông mua Torre Picasso ở Madrid với giá 536 triệu USD vào năm 2011. Đây là tòa nhà chọc trời cao 157m, cao nhất Tây Ban Nha.

Tỷ phú người Tây Ban Nha này đã xây dựng cho mình một “đế chế” bất động sản toàn cầu, bao gồm các văn phòng hiện được cả Facebook và Amazon sử dụng tại Seattle, cùng nhiều bất động sản lớn khác trên con phố Oxford danh giá của London.

Tổng giá trị danh mục đầu tư bất động sản của Pontegadea Inversiones do ông Ortega sở hữu đã lên tới 10 tỷ euro (11 tỷ USD) tính đến cuối năm 2018.

Pontegadea đã “gom” hầu hết các khoản cổ tức mà tỷ phú Ortega kiếm được, ước khoảng 1,6 tỷ euro trong năm 2019 để tái đầu tư vào bất động sản.

Đầu tháng 11/2019, Pontegadea đã tiến hành mua lại tòa nhà văn phòng được sử dụng bởi Facebook ở Seattle (Mỹ) với giá 415 triệu USD cũng như chi 740 triệu USD để thâu tóm khu phức hợp “Troy Block” trong cùng thành phố, nơi đặt một phần trụ sở của Amazon.

[Hãng thời trang Forever 21 đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ]

Khi nhận thấy nước Mỹ có thể dễ dàng đáp ứng được các tiêu chí của mình, trong những năm gần đây, ông Ortega đã “thâu tóm” được nhiều bất động sản ở Miami, San Francisco, New York và Washington, bên cạnh những tài sản danh giá ở Seattle.

Tỷ phú Ortega sở hữu quần thể khách sạn căn hộ Epic trị giá 536 triệu USD ở Miami. Đây được coi là một trong những khách sạn sang trọng nhất ở Mỹ. Tòa nhà EV Haughwout lịch sử ở SoHo, thành phố New York, được ông mua với giá 145 triệu USD vào năm 2015.

Ông còn sở hữu khối văn phòng tại khu phố Mayfair giàu có ở London giáp với Hyde Park và một vài nơi khác trên phố mua sắm chính của London, phố Oxford... Tại Paris, Amancio Ortega sở hữu tòa nhà, nơi có cửa hàng hàng đầu của Apple và một tòa nhà thương mại trên đại lộ Champs-Elysee.

Tỷ phú Ortega hiện sở hữu tài sản ở chín quốc gia, gồm Anh, Canada, Pháp, Italy, Mexico, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ. Các bất động sản cho thuê trên toàn thế giới của Ortega đã mang về cho ông khoảng 405 triệu euro trong năm 2018. Số tiền này ngay lập tức được tái đầu tư vào Pontegadea.

Chủ sở hữu Zara cũng không ngại cho các đối thủ thời trang thuê tòa nhà của mình, trong đó có chuỗi cửa hàng thời trang Primark của Anh. Primark hiện đang thuê một trong những bất động sản quan trọng của Ortega trên con phố trung tâm của Madrid.

Một phát ngôn viên của Pontegadea cho hay tỷ phú Ortega chỉ mua bất động sản tại thủ đô của các nước lớn ổn định. Ông cũng ưu tiên những người thuê nhà có khả năng thanh toán tốt. Bên cạnh đó, Ortega dường như tránh đầu tư vào bất động sản nhà ở, vốn có khả năng sinh lãi cao hơn, nhưng lại mang tiếng xấu sau khi “bong bóng” bất động sản nổ tung vào cuối những năm 2000, gây ra tình trạng suy thoái kéo dài.

Danh mục đầu tư của ông chủ yếu bao gồm các văn phòng và cửa hàng cũng như một số khách sạn. Các nhà phân tích cho rằng tỷ phú Ortega đang nhắm mục tiêu tới bất động sản như một khoản đầu tư dài hạn, chứ không phải để đầu cơ.

Năm 2018, Pontegedea đã thực hiện một dự án liên doanh hiếm hoi ngoài lĩnh vực động sản khi thâu tóm 10% cổ phần trong Telxius, công ty con của “người khổng lồ” viễn thông Tây Ban Nha Telefonica, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông và mạng cáp quang ở châu Âu và khu vực Mỹ Latinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục