AmCham sáng kiến về Thỏa thuận đảm bảo luồng dữ liệu xuyên biên giới

Sau 25 năm, thương mại hàng hóa Việt Nam-Hoa Kỳ có những bước tăng trưởng tích cực, từ mức 1,5 tỷ USD (năm 2000) lên 59 tỷ USD (năm 2018).

Năm 2019, kỷ niệm 25 năm quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt Nam-Hoa Kỳ. Thời gian qua, thương mại hàng hóa hai nước có những bước tăng trưởng tích cực, từ mức 1,5 tỷ USD (năm 2000) lên 59 tỷ USD (năm 2018).

Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 16 của Hoa Kỳ và nước này đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam-Hoa Kỳ diễn ra sáng 10/5, ông Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao châu Á tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ rất quan tâm và lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Nhận thấy sự năng động về kinh tế của Việt Nam, các doanh nhân Hoa Kỳ mong muốn tăng cường quan hệ song phương, thúc đẩy thương mại công bằng và đối ứng.

[Phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không có hạ cánh an toàn]

Tại sự kiện, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCharm) đã công bố một kế hoạch phác thảo chi tiết các khuyến nghị nhằm tăng cường mối quan hệ thương mại dựa trên Thoả thuận về Khung thương mại và đầu tư (TIFA) hiện có giữa hai quốc gia.

Cơ hội thay đổi vị thế trong chuỗi cung ứng

Theo ông Charles Freeman, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các cơ hội mở rộng thương mại và đầu tư vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang nhìn thấy một cơ hội về sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khu vực do những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng thời thể hiện thế mạnh quốc gia như “một điểm đến thay thế” cho các hoạt động đầu tư của Hoa Kỳ.

Báo cáo từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng với việc gia tăng quy mô và sự phát triển nhanh chóng trong các mối quan hệ kinh tế trong thời gian qua, hai nước cần tiếp tục phát triển tầm nhìn về tương lai trong mối quan hệ thương mại. Và, cộng đồng doanh nghiệp của hai quốc gia sẽ trở thành đối tác phát triển tầm nhìn này.

Sáng kiến của Phòng Thương mại Hoa Kỳ nhằm nâng cấp thảo luận TIFA lên cao hơn, ở cấp Văn phòng Chính phủ tại Việt Nam và Đại diện Thương mại tại Hoa kỳ.

Theo Báo cáo, với việc tận dụng kiến trúc TIFA, hai bên cùng xác định một tập hợp các sáng kiến mới riêng biệt trong các lĩnh vực ưu tiên lẫn nhau. Khi thích hợp, Hoa Kỳ có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và tài chính để hỗ trợ thực hiện cũng như phối hợp chặt chẽ với các khu vực tư nhân.

Một bản thiết kế chi tiết đã được Phòng Thương mại Hoa Kỳ trình bày tại đây, mục tiêu cơ bản nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm trong lĩnh thương mại kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ, thuận lợi về hải quan và thương mại, các rào cản kỹ thuật đối với các tiêu chuẩn thương mại, vệ sinh, kiểm dịch thức phẩm và cuối cùng là cơ sở hạ tầng năng lượng.

AmCham sáng kiến về Thỏa thuận đảm bảo luồng dữ liệu xuyên biên giới ảnh 1AmCham cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thúc giục tiến trình thảo luận

Một số điểm nhấn trong bản thiết kế từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ được xem như một bước tiến dài trong tham vọng, là sự phát triển thương mại kỹ thuật số giữa hai bên.

Cụ thể, Sáng kiến đề xuất đàm phán cấp cao một thỏa thuận, trong đó phân biệt Việt Nam là nước đi đầu trong việc phát triển cách tiếp cận cân bằng, có thể dự đoán và hướng tới các vấn đề thương mại kỹ thuật số, tăng cường sức hấp dẫn như một điểm đến của đầu tư.

Với mục tiêu đó, thỏa thuận kỳ vọng đến những nghĩa vụ tiên tiến như trong Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada, như việc đảm bảo luồng dữ liệu miễn phí qua biên giới cho tất cả cả ngành, bao gồm cả các tổ chức tài chính.

Quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những nội dung được chú trọng trong đề xuất lần này, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, hai nước nên đàm phán một thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ, bởi điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các ngành công nghiệp tiên tiến.

Về hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hai bên cũng nên có thỏa thuận với những cam kết ngang tầm Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Bên cạnh đó, với các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, hai phía cũng cần điều chỉnh các tiêu chuẩn nhằm khuyến khích sự minh bạch và quản trị tốt, thúc đẩy khả năng tương tác và các nguyên tắc điều chỉnh chung đạt các tiêu chuẩn về sức khỏe, an toàn và môi trường chung…

Bà Natasha Ansell, Chủ tịch AmCham nhấn mạnh: “Các công ty của Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm cho người lao động Việt Nam, mở ra một thị trường mới cho hàng hoá và dịch vụ của Hoa Kỳ. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công nối tiếp của Việt Nam và AmCham, cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ để phát triển khu vực kinh tế tư nhân."

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh “phát triển bền vững, đổi mới và hội nhập” đang là những từ khoá quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Và, Việt Nam đang hướng tới một cơ cấu đầu tư và thương mại có chất lượng cao và bền vững hơn.

Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng của Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này. Các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang bắt tay nhau triển khai những dự án tiềm năng trong các lĩnh vực chế tạo, chế biến, năng lượng sạch, hàng không, công nghệ số, y tế, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác.

“Hy vọng sự hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ có các công xưởng và sẽ có cả những 'Thung lũng Silicon châu Á', để góp phần định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ những sáng kiến nâng cấp và hoàn thiện các khung khổ thương mại tự do giữa hai nước để mang lại lợi ích cho cả hai bên," ông Lộc nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục