Ấn Độ chấm dứt sứ mệnh tàu thám hiểm Mặt trăng

Các nhà khoa học Ấn Độ đã mất liên lạc hoàn toàn với tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của nước này Chandrayaan-1.
Người phát ngôn của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), ông S. Satish cho biết sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của nước này đã kết thúc ngày 30/8, một ngày sau khi các nhà khoa học mất liên lạc với Chandrayaan-1 - tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ.

Theo ông Satish, những nỗ lực nhằm nối lại liên lạc với tàu Chandrayaan-1 đã thất bại, vì vậy không có lý do gì để tiếp tục sứ mệnh này.

Ông Satish cho biết thêm công tác chuẩn bị cho tàu vũ trụ không người lái thám hiểm mặt trăng Chandrayaan-2 đã bắt đầu được tiến hành và Ấn Độ hy vọng sẽ phóng tàu này vào năm 2012.

Tàu thám hiểm không người lái Chandrayaan-1 được phóng lên vũ trụ ngày 22/10/2008, đánh dấu một bước tiến lớn của chương trình nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ trong bối cảnh cuộc đua chinh phục không gian ở châu Á đang phát triển nhanh chóng.

Tàu nặng 1.304kg, mang theo 11 thiết bị nghiên cứu khoa học, được phóng bằng tên lửa đẩy PSLV-C11 do Ấn Độ tự chế tạo. Chi phí cho sứ mệnh của tàu Chandrayaan-1 vào khoảng 80 triệu USD.

Trong số các thiết bị nghiên cứu khoa học trên tàu có 5 thiết bị do Ấn Độ chế tạo, 3 thiết bị của Cơ quan vũ trụ châu Âu, 2 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và 1 của Viện hàn lâm khoa học Bulgaria.

Chandrayaan-1 đã thực hiện hơn 3.400 lần bay quanh Mặt Trăng và gửi về Trái Đất rất nhiều số phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Chandrayaan-1 đã đáp ứng được phần lớn các mục tiêu khoa học đề ra. Ngày 29/8 vừa qua, ISRO thông báo đã mất liên lạc sóng vô tuyến điện với tàu này./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục