Ấn Độ có hơn 150 triệu tài xế, chỉ 8.000 người muốn dùng xe điện

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, chỉ hơn 8.000 xe điện được tiêu thụ tại Ấn Độ trong 6 năm qua, Trung Quốc bán ra con số xe điện còn lớn hơn thế trong có hai ngày.
Ấn Độ có hơn 150 triệu tài xế, chỉ 8.000 người muốn dùng xe điện ảnh 1Xe điện Kona. (Nguồn: bloomberg.com)

Hãng Hyundai Motor ra mắt mẫu xe SUV chạy điện đầu tiên tại Ấn Độ mang tên Kona bằng một đoạn quảng cáo truyền hình hơi kỳ lạ, mang thông điệp khuyến khích cánh tài xế “lái về tương lai.”

Vài tháng sau, hãng này nhận thấy chiến dịch quảng bá xe điện không thu hút được nhiều sự chú ý. Dù Ấn Độ có 150 triệu tài xế, hãng chỉ bán được 130 chiếc Kona trong tháng 8.

Mức độ tiêu thụ thấp đáng ngại như vậy là bằng chứng rõ rệt cho thấy những khó khăn mà các nhà phân phối ôtô phải đối mặt trong quá trình thiết lập chỗ đứng cho mặt hàng xe điện ở Ấn Độ, thị trường xe hơi lớn thứ tư thế giới, kể cả khi họ được sự trợ giúp của chính phủ.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, chỉ hơn 8.000 xe điện được tiêu thụ tại Ấn Độ trong 6 năm qua. Trung Quốc bán ra con số xe điện còn lớn hơn thế trong có hai ngày.

Một trong những nguyên nhân chính khiến xe điện không được ưa chuộng ở Ấn Độ là do giá cả quá cao. Một chiếc Kona hiện có giá 35.000 USD, trong khi người Ấn Độ có thu nhập trung bình hằng năm chỉ 2.000 USD.

Năm ngoái, hơn nửa số xe con bán ra tại Ấn Độ có giá chỉ trên dưới 8.000 USD, theo Bloomberg. Trang tin này đánh giá phải tới năm 2030 xe điện ở Ấn Độ mới hạ xuống mức giá tương đương với xe chạy bằng xăng.

[Hai hãng Huyndai, Kia bán hơn 1 triệu xe lai trong 10 năm qua]

Chưa hết, ngay cả những người có đủ tiền mua xe điện, việc tìm chỗ sạc điện cho xe cũng là thách thức không nhỏ. Nidhi Maheshwary, một chuyên gia tài chính 40 tuổi làm việc gần New Delhi, đã mua xe Kona để dạy cho con cô về ý thức bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên ngay khi đưa chiếc xe về nhà, cô đã vướng vào một cuộc cãi vã với hàng xóm về việc sạc chiếc xe trong tầng hầm khu chung cư. Nhiều người sống trong tòa nhà không đồng ý để cô sạc điện xe trong hầm, vì sợ nguy cơ cháy nổ tăng cao. Vậy là cô phải mang xe tới văn phòng sạc điện.

Được biết Ấn Độ chỉ có khoảng 650 trạm sạc cho xe điện trong năm 2018, theo thống kê của Bloomberg. Để so sánh, Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, có khoảng 456.000 trạm sạc.

Và chiếc của Maheshwary thì mất tới 19 giờ đồng hồ để sạc đầy. Tất cả những trở ngại này cho thấy vì sao người Ấn Độ không hề mặn mà với xe điện.

Theo các chuyên gia, tiềm năng của thị trường xe điện tại Ấn Độ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, người tiêu dùng Ấn Độ đơn giản là bỏ qua xe điện để lựa chọn các loại xe thông thường, với mẫu mã đa dạng hơn, bình xăng lớn giúp xe chạy lâu hơn và có giá rẻ hơn rất nhiều./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục