Ấn Độ đánh thuế khí thải với xe tải khi lưu thông trong thủ đô

Nhằm cải thiện chất lượng không khí, chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) bắt đầu thực hiện việc đánh thuế khí thải đối với tất cả các loại xe tải và xe thương mại.
Ấn Độ đánh thuế khí thải với xe tải khi lưu thông trong thủ đô ảnh 1Thủ đô New Delhi của Ấn Độ có mật độ ô nhiễm không khí (PM) trung bình hàng năm cao nhất thế giới. (Ảnh: Bloomberg)

Nhằm cải thiện chất lượng không khí tại thủ đô bị coi là ô nhiễm bậc nhất trên thế giới, ngày 1/11, chính quyền thành phố New Delhi (Ấn Độ) bắt đầu thực hiện việc đánh thuế khí thải đối với tất cả các loại xe tải và xe thương mại.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Tòa án Tối cao Ấn Độ thông qua kế hoạch thí điểm tháng trước, theo đó chính quyền Delhi sẽ áp mức thuế phụ - 700 rupees (tương đương 11 USD) đối với các xe tải thương mại hạng nhẹ và 1.300 rupees (hơn 20 USD) đối với các xe tải hạng nặng khi vào thủ đô.

Theo chính quyền thành phố, với việc mỗi ngày có hơn 8,5 triệu ôtô các loại tham gia giao thông tại thủ đô New Delhi cùng với hơn 1.400 xe đăng ký mới, chính quyền thành phố hy vọng khoản thuế mới sẽ giúp giảm được mật độ ô nhiễm trong nội đô sau khi các phương tiện chuyển lộ trình khác.

Mặc dù vậy, hiện một số người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả sau khi biện pháp trên chính thức có hiệu lực do trước đó giới chức New Delhi không thực hiện được lệnh của Tòa án Tối cao đưa ra hồi năm 2001 cấm các xe tải chạy vào thành phố này.

Theo Trung tâm Khoa học và môi trường (CSE) có trụ sở tại New Delhi, các xe tải hiện đều bị cấm hoạt động tại thủ đô này cả ngày, song cứ sau 8 giờ tối, hơn 50.000 lượt xe lại đổ dồn về đây. Việc các xe tải thải ra tới 1/3 lượng khí gây ô nhiễm tại thành phố, cùng với lượng khói bụi ô nhiễm tại khác khu vực xây dựng đã khiến khói mù tại đây tăng lên mức nguy hiểm.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với 1.600 thành phố trên toàn cầu hồi năm ngoái cho thấy thủ đô New Delhi có mật độ ô nhiễm không khí (PM) trung bình hàng năm cao nhất thế giới ở mức 2,5 micrômét. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới viêm phổi mãn tính, ung thư phổi và các bệnh về tim mạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục