Ấn Độ đau đầu với vấn nạn rác thải điện tử

Mỗi năm Ấn Độ phải xử lý khoảng 420.000 tấn rác điện tử do trong nước thải ra và nhập khẩu, và dự kiến đến 2010 sẽ là 800.000 tấn.
Tại một cuộc hội thảo về rác thải điện tử ở New Dehli ngày 27/10, các nhà hoạt động "xanh"  biết mỗi năm Ấn Độ phải xử lý khoảng 420.000 tấn rác điện tử do trong nước thải ra cũng như nhập từ nước ngoài.

Với tốc độ gia tăng 10-15%/ năm, đến năm 2010 lượng rác thải điện tử ở Ấn Độ có thể lên tới 800.000 tấn.

Trong khi đó, giới chức xử lý ô nhiễm của Ấn Độ cho biết trên cả nước hiện chỉ có 6 đơn vị tái chế rác thải điện tử với công suất 27.000 tấn/năm.

Nguyên nhân gia tăng rác thải điện tử ở Ấn Độ được cho là do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ điện thoại di động và máy truyền hình, đồng thời nhu cầu đối với các sản phẩm trên ngày càng tăng trong các tầng lớp bình dân.

Theo bà S. Saroj, một quan chức chính phủ phụ trách môi trường, phần lớn rác thải điện tử nhập từ nước ngoài vào Ấn Độ dưới dạng các sản phẩm công nghệ đời cũ quyên góp cho các hoạt động từ thiện.

Bà Saroj cho biết trước tình hình trên, Chính phủ Ấn Độ sẽ ban hành luật mới để hạn chế nhập khẩu rác điện tử cũng như nâng cấp hệ thống tái chế rác.

Dự thảo luật sẽ được đưa ra trong vòng 4 đến 6 tháng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục