Ấn Độ dùng uy tín hành động vì khí hậu để khẳng định vị trí ở Bắc cực

Ấn Độ tận dụng uy tín hành động vì khí hậu để giành lợi ích ở Bắc cực

Khi Nga nắm giữ vị trí chủ tịch Hội đồng Bắc cực, Ấn Độ có thể điều chỉnh các mục tiêu vì lợi ích quốc gia của mình phù hợp với các mục tiêu của Nga và nguyện vọng chung của Hội đồng Bắc cực.
Ấn Độ tận dụng uy tín hành động vì khí hậu để giành lợi ích ở Bắc cực ảnh 1Dự án khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. (Nguồn: Novatek/TTXVN)

Mạng tin eurasiareview.com đưa tin tháng 5/2021, Nga sẽ trở thành chủ tịch mới của Hội đồng Bắc cực, một tổ chức đa phương gồm các quốc gia phía Bắc nhằm bảo tồn khu vực Bắc Cực nguyên sơ.

Nga, quốc gia lớn nhất ở Bắc cực, sẽ lần thứ 2 giữ chức chủ tịch của tổ chức này sau nhiệm kỳ đầu tiên giai đoạn 2004-2006.

Iceland, quốc gia nhỏ nhất trong tổ chức đa phương này và hiện đang giữ ghế chủ tịch, sẽ chuyển giao vị trí này cho Nga nắm giữ trong hai năm.

Vào thời điểm Nga hoàn thành nhiệm kỳ chủ tịch của mình, Ấn Độ cũng sẽ hoàn tất một thập kỷ trở thành quan sát viên của Hội đồng Bắc cực.

Có bốn quan sát trong thời điểm hiện nay ở Bắc cực: hành động khí hậu mới và được ưu tiên của Nga được thúc đẩy bởi các vấn đề địa chính trị; Ấn Độ mới được công nhận là "nhà vô địch" về hành động vì khí hậu; đóng góp tiềm năng của Ấn Độ cho Hội đồng Bắc cực thông qua quan hệ đối tác năng lượng và công nghệ với Nga và với các đối tác khác của Hội đồng Bắc cực; và tính chân thành trong danh hiệu một quốc gia "cận Bắc cực" của Trung Quốc.

[Tổng thống Putin cam kết duy trì ưu thế của Nga tại Bắc Cực]

Bắc Băng Dương và các vùng lãnh nguyên duyên hải của vùng biển này nằm trong số những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên Trái đất này bởi biến đổi khí hậu.

Để giải quyết vấn đề này, chính sách Bắc cực của phương Tây đã đưa "chủ nghĩa hành động vì khí hậu" và "chủ nghĩa giải pháp hành động vì khí hậu" vào trong các hoạt động chính trị trong nước và quốc tế nhiều thập kỷ qua.

Trong khi chủ nghĩa hành động đã cảm hóa được đông đảo quần chúng trên toàn cầu, thì chủ nghĩa giải pháp dẫn tới rất ít các đột phá khoa học và công nghệ nhưng lại rất quan trọng.

Tuy nhiên, Nga vẫn luôn kín tiếng trong lĩnh vực này, chủ yếu vì Nga là nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và bởi những phát biểu về hành động khí hậu đều được "nhào nặn" theo lợi ích của phương Tây.

Gần đây, Nga đã bắt đầu nhận ra tầm quan trọng ngày càng lớn của vấn đề biến đổi khí hậu trong các mục tiêu hành động của nước này ở trong nước và trên toàn cầu.

Đầu tháng 11/2020, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 30% phát thải khí nhà kính so với mức năm 1990.

Việc Nga gần đây chú ý tới vấn đề này cũng đã tác động tới chương trình nghị sự mà Nga đặt ra cho Hội đồng Bắc cực trong nhiệm kỳ nước này giữ ghế chủ tịch.

Nga muốn thúc đẩy sự phát triển xã hội và kinh tế dựa trên sự đồng thuận và bền vững về mặt môi trường trong khi đồng thời thực hiện các dự án thân thiện với môi trường và làm cho Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) trở nên ít gây hại tới môi trường Bắc cực vốn rất dễ bị tác động.

Nhiều quốc gia phương Tây vẫn chưa thực hiện được phần đóng góp của họ được cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Ngược lại, trong năm nay, năm 2020, Ấn Độ đã giảm 21% lượng phát thải trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm trong nước (GDP) so với mức năm 2005, và đang trên đà giảm 33-35% cường độ phát thải vào năm 2030 như đã cam kết trong Hiệp định Paris.

Trên thực tế, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong G20 đáp ứng được các mục tiêu mà nước này đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

New Delhi có thể bắt đầu tận dụng uy tín mạnh mẽ của họ trong lĩnh vực hành động vì khí hậu, chủ yếu đạt được kể từ năm 2014, để giúp định Ấn Độ định vị vị trí của mình trong mối quan hệ đa phương và củng cố các mối quan hệ với các đối tác.

Hiện nay, Ấn Độ chỉ là quan sát viên trong Hội đồng Bắc cực. Không giống như Trung Quốc, Ấn Độ không tuyên bố sai lầm rằng họ là quốc gia "cận Bắc cực" hay là một quốc gia ven biển có liên quan.

Tuy nhiên, Ấn Độ tìm hiểu về hiệu ứng domino của vấn đề biến đổi khí hậu ở khu vực Bắc cực đối với môi trường và an ninh quốc gia toàn diện của Ấn Độ, cho dù nước này không phải là một quốc gia Bắc cực hay cận Bắc cực.

Việc các thềm băng ở Bắc Băng Dương đang bị thu hẹp và lượng phát thải tự nhiên lớn của khí mêtan nằm dưới tầng đóng băng vĩnh cửu ở vùng lãnh nguyên Bắc cực có thể gây ra thiên tai và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở tiểu lục địa Ấn Độ.

Vì vậy, lợi ích của Ấn Độ khi Hội đồng Bắc cực theo đuổi các hành động vì khí hậu cũng không thua kém so với các nước thành viên.

Do đó, Ấn Độ hợp tác chặt chẽ với nhiều thành viên và quan sát viên của Hội đồng Bắc cực về một số mục tiêu hành động khí hậu nhằm đạt được lợi ích chung.

Ví dụ, Ấn Độ đã ký một biên bản ghi nhớ với Phần Lan về hợp tác phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học vào tháng 11/2020. Với Mỹ, Ấn Độ có Thỏa thuận hợp tác về khí hậu và năng lượng sạch với đầy đủ chức năm hoạt động kể từ năm 2015.

Khi Nga nắm giữ vị trí chủ tịch Hội đồng Bắc cực, Ấn Độ có thể điều chỉnh các mục tiêu vì lợi ích quốc gia của mình phù hợp với các mục tiêu của Nga và nguyện vọng chung của Hội đồng Bắc cực.

Ấn Độ nhập khẩu một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc từ các mỏ của Nga ở Bắc cực và vùng Viễn Đông của nước này.

Giảm lượng khí thải từ ngành năng lượng của Ấn Độ và Nga, sử dụng các biện pháp thu giữ carbon dùng công nghệ nano tiên tiến, có thể trở thành một điểm mấu chốt mới của mối quan hệ Ấn-Nga hiện đại và là bước phát triển tiếp theo của mối quan hệ hợp tác năng lượng hiện nay giữa hai nước.

Quá trình phi carbon hóa này, chủ yếu liên quan tới khí thải mê-tan và muội than công nghiệp, cũng có thể phù hợp với Chương trình hành động chống ô nhiễm Bắc cực - một dự án nhóm chuyên viên của Hội đồng Bắc cực.

Mặc dù Ấn Độ ở rất xa Bắc cực, nhưng với vị thế là động lực của nền kinh tế thế giới, Ấn Độ sẽ giúp NSR và được hưởng lợi từ đó.

Ấn Độ được lợi khi bảo đảm cho một tuyến đường thương mại thay thế trên biển mà NSR mang lại cũng như tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên do các đối tác của Hội đồng Bắc cực sở hữu.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng nhận ra rằng một NSR bền vững về mặt môi trường cùng với khí hậu trong lành và nguyên sơ của Bắc cực là yếu tố còn quan trọng hơn nhiều so với một NSR bị ô nhiễm.

Uy tín về hành động vì khí hậu của Ấn Độ đã chứng minh tầm quan trọng của "chủ nghĩa giải pháp hành động vì khí hậu" hữu hình và điều này chắc chắn sẽ giúp Ấn Độ thu hút tất cả các chính phủ và các cơ quan liên chính phủ thực dụng.

Vì vậy, Ấn Độ có thể tìm thấy những điểm tương đồng với chương trình nghị sự của Nga trong nhiệm kỳ Nga giữ chức chủ tịch của Hội đồng Bắc cực.

Ấn Độ có lợi ích thương mại và năng lượng ở Bắc cực, nhưng con đường dẫn đến những lợi ích này phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường, như đã được xác định trong Thỏa thuận Paris.

Kinh nghiệm ngày càng lớn của Ấn Độ ở Hội đồng Bắc cực, mối quan hệ song phương bền chặt của New Delhi với hầu hết các thành viên và quan sát viên của Hội đồng Bắc cực sẽ thúc đẩy Ấn Độ sớm soạn thảo một chính sách quốc gia về Bắc cực dựa trên khoa học, hướng tới giải pháp và bền vững với mặt môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục