Ấn Độ gặp khó khi "mắc kẹt" giữa Australia và Trung Quốc

Cũng giống như quan hệ của Australia với Trung Quốc, mối quan hệ căng thẳng Ấn-Trung đã trở nên xấu hơn vào năm ngoái, trong bối cảnh xuất hiện các cuộc đụng độ ở biên giới chung giữa hai nước.
Ấn Độ gặp khó khi "mắc kẹt" giữa Australia và Trung Quốc ảnh 1Xe quân sự của Ấn Độ tại khu vực Ladakh. (Nguồn: AFP)

Ấn Độ đã bị kéo vào căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc khi các chính trị gia, giới truyền thông và Ủy ban Nhân quyền của nước này mới đây đã phải lên tiếng yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho phép hàng chục thủy thủ người Ấn Độ đang bị mắc kẹt ở ngoài khơi bờ biển Trung Quốc được trở về nhà.

Theo bài viết đăng trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, khoảng 70 con tàu cùng với các thuyền viên người nước ngoài, gồm nhiều công dân Ấn Độ, đang vận chuyển than của Australia, đã mắc kẹt ở ngoài khơi các khu cảng biển của Trung Quốc trong suốt nhiều tháng qua.

Bắc Kinh đã từ chối cho phép họ dỡ hàng xuống cảng, trong khi các nhà nhập khẩu và giới chủ thuyền yêu cầu các con tàu phải chờ đợi ngoài khơi.

Cũng giống như quan hệ của Australia với Trung Quốc, mối quan hệ căng thẳng Ấn-Trung đã trở nên xấu hơn vào năm ngoái, trong bối cảnh xuất hiện các cuộc đụng độ ở biên giới chung giữa hai nước.

Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng công nghệ của Trung Quốc và thể hiện sự lo ngại cường quốc lớn nhất châu Á ngày càng thiên về cách tiếp cận hung hăng trong các chính sách đối ngoại.

Times Group, tập đoàn truyền thông lớn nhất của Ấn Độ, đang nỗ lực vận động thay mặt cho 39 thủy thủ nước này bị mắc kẹt trên hai con tàu Jag Anand và Anastisia, những người đang tuyệt vọng vì bị “giam cầm” tại vùng biển của Trung Quốc trong 6 tháng qua.

[Ấn Độ hy vọng đàm phán giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc]

Shardul Mhatre, một thủy thủ trên tàu Jag Anand, nói với đài truyền hình Ấn Độ: “Kể từ khi chúng tôi đến cảng Jingtang, tình trạng của thủy thủ đoàn và mọi người đều xấu đi. Thật kinh khủng. Chúng tôi không thể ngủ vào ban đêm, trời quá lạnh. Chúng tôi đã không ở trên đất liền trong 12 tháng qua. Điều này khá tồi tệ với tinh thần của chúng tôi và mọi người đang phải chịu các vấn đề về sức khỏe như các bệnh về da, huyết áp cao, tiểu đường."

Ashwin Kumar Tandel, một thủy thủ khác trên tàu Anastasia, cho biết: “Tôi đã ở trên tàu 18 tháng. Con gái của tôi chào đời vào năm ngoái và tôi chưa được nhìn thấy mặt con. Làm ơn hãy giúp tôi.”

Ủy ban Nhân quyền Ấn Độ, một cơ quan thành lập theo luật định, đã đưa ra một tuyên bố gay gắt vào ngày đầu năm mới 2021, trong đó cáo buộc Trung Quốc phớt lờ luật pháp quốc tế khi cố tình để các thủy thủ bị mắc kẹt trên tàu.

Văn bản của Ủy ban nêu rõ: “Có vẻ như quyền sống, nhân phẩm, quyền bình đẳng và tự do của các thuyền viên Ấn Độ đã bị chà đạp bởi một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.”

Trung Quốc và Ấn Độ đang cố gắng cải thiện quan hệ song phương trong những tháng gần đây, sau khi căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều thập kỷ vừa qua với việc nhiều binh sỹ của cả 2 nước bị thiệt trong cuộc đụng độ bạo lực ở vùng biên giới chung trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020.

Richard McGregor, nhà phân tích chuyên về Trung Quốc tại Viện Lowy của Australia, cho biết ông tin rằng Ấn Độ là đối tượng chịu thiệt hại trong cuộc tranh chấp mà Australia mới là mục tiêu thực sự.

Ông nói: “Trung Quốc và Ấn Độ đã cố gắng hàn gắn mọi thứ hay ít nhất là đặt ra ‘mức sàn’ cho mối quan hệ giữa hai bên trong 4 hoặc 5 tháng. Thiệt hại của Ấn Độ có lẽ không phải là điều Trung Quốc mong muốn bởi điều đó chỉ làm tổn hại thêm mối quan hệ với Ấn Độ.”

Theo chuyên gia của viện Lowy, hai nước đã đạt được một số thỏa thuận nhằm cố gắng ngăn chặn xung đột quân sự tiếp tục diễn ra ở biên giới chung và bất kỳ sự tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn tới điều đó. Ông McGregor cho rằng Trung Quốc hiện tại không muốn gây tăng nhiệt cho những căng thẳng vốn đã tồn tại với Ấn Độ.

Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết các công ty vận tải phải có trách nhiệm giữ những con tàu tại cảng Trung Quốc và không cho phép thay đổi thuyền viên, để ngăn chặn tình trang lây lan virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

Khi được một hãng thông tấn Nhật Bản hỏi liệu có phải các con tàu đang bị giữ lại vì tranh chấp của Trung Quốc với Ấn Độ hay Australia hay không, ông Vương Nghị nói: "Tôi không thấy có bất kỳ sự liên quan nào ở đây."

Mặc dù vậy, Đại sứ quán của Ấn Độ tại Bắc Kinh đã đệ trình vụ việc này với một thứ trưởng ngoại giao của Trung Quốc. Người phát ngôn Anurag Srivastava cho biết họ đang thúc đẩy việc thay thủy thủ đoàn trên biển tại bờ biển ở Trung Quốc hoặc tại hải cảng của nước thứ ba.

Ông Srivastava nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực và có thời hạn, trong bối cảnh tình huống nhân đạo nghiêm trọng đang xảy ra trên tàu.”

Gaurav Singh, một chỉ huy trên tàu Anastasia, cho biết bất chấp sự vận động từ phía Ấn Độ, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ động thái nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục