Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant tự chế tạo

Ngày 12/8, Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant đầu tiên do nước này tự chế tạo tại nhà máy đóng tàu Kochi, bang Kerala.
Ngày 12/8, Ấn Độ đã hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant đầu tiên do nước này tự chế tạo với 90% được nội địa hóa tại nhà máy đóng tàu Kochi thuộc bang Kerala.

Đây là sự kiện quan trọng đưa Ấn Độ trở thành thành viên của câu lạc bộ thế giới gồm một số ít quốc gia có khả năng tự thiết kế và sản xuất loại tàu sân bay tương tự.

Tàu INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn, dài 260m, rộng 60m, có thể mang được 36 máy bay chiến đấu, bao gồm 19 chiếc trên bong và 17 chiếc trong khoang chứa.

INS Vikrant sẽ được chạy thử nghiệm vào năm 2016 trước khi được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2018.

Giới chức quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh việc hạ thủy tàu sân bay INS Vikrant là bước đi cuối cùng trong chương trình nội địa hóa các trang thiết bị quân sự của nước này.

Trước đó, ngày 10/8, Ấn Độ cũng đã thông báo chuẩn bị chạy thử nghiệm chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên mang tên INS Arihant do nước này tự chế tạo.

Cùng trong ngày 12/8, vào lúc 9 giờ 15 (giờ địa phương), Ấn Độ đã thử thành công tên lửa đất đối đất Prithvi-II tự chế tạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 350 km.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết vụ thử tên lửa Prithvi-II hiện đại này do Bộ chỉ huy các lực lượng chiến lược (SFC) tiến hành trên một bệ phóng di động từ tổ hợp số 3 của dàn thử liên hợp ở Chandipur thuộc bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, dưới sự giám sát của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO).

Prithvi là loại tên lửa đầu tiên được phát triển theo Chương trình Phát triển tên lửa dẫn đường tích hợp (Integrated Guided Missile Development Programme - IGMDP) của Ấn Độ, có khả năng mang các đầu đạn nặng từ 500-1.000kg và có hai động cơ đẩy bằng nhiên liệu lỏng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục