Ấn Độ không thể bỏ qua các mối đe dọa an ninh phi truyền thống

Trong khi Ấn Độ đánh giá năng lực quân sự thông thường của mình trong việc phòng thủ và đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng, nước này cũng không bỏ qua các mối đe dọa phi truyền thống.
Ấn Độ không thể bỏ qua các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ảnh 1Tên lửa phòng không S-400 mà Ấn Độ mua từ Nga. (Nguồn: Sputnik)

Theo các nguồn tin, việc Ấn Độ mua sắm hệ thống tên lửa S-400 của Nga là nhằm mở rộng năng lực phòng không của họ dọc theo biên giới 4.000km với Trung Quốc.

Với sức mạnh quân sự mạnh nhờ khả năng phòng thủ và tấn công đã được nâng cấp, Trung Quốc được cho là đã trang bị hệ thống tên lửa S-400 của Nga sau khi đạt được một thỏa thuận với Moscow hồi năm 2014. Tầm bắn và công suất của S-400 cho phép New Delhi phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa trên không đối với bất kỳ khu vực nào của lục địa Ấn Độ từ một khoảng cách xa hơn nhiều so với mức cần thiết để chống lại các cuộc tấn công xuất phát từ bất cứ khu vực nào của Pakistan.

Ấn Độ cũng đang phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung đến liên lục địa như tên lửa Agni và Prithvi, một tên lửa đạn đạo tầm ngắn đất đối đất chiến thuật phục vụ cả hai mục đích phòng thủ và trả đũa. Người ta có thể cho rằng vì diện thích Pakistan nhỏ và sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai nước, nên sẽ không cần đến hệ thống tên lửa tầm xa như S-400.

Ngoài ra, một trong những lý do quan trọng đằng sau việc Ấn Độ ký Hiệp định về Tương thích và Bảo mật Truyền thông (COMCASA) với Mỹ trong cuộc Đối thoại 2+2 theo như báo cáo là để theo dõi sát sao các động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Himalaya. Hơn nữa, hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết Ấn Độ muốn mua một hệ thống máy bay thí điểm từ xa có thể hoạt động ở độ cao hơn 5.500 mét so với mực nước biển, chủ yếu nhằm phát hiện các hoạt động quân sự dọc biên giới vùng núi với Trung Quốc.

Theo số liệu về chuyển giao vũ khí do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố, Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2013-2017. Động thái của Ấn Độ nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu dường như là để phục vụ mục tiêu bảo vệ New Delhi khỏi những động thái chiến lược đáng ngờ của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương và khu vực Nam Á.

Đặc điểm và năng lực của các hệ thống và công nghệ vũ khí này sẽ khiến người ta đoán rằng chúng được sử dụng để bảo vệ chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc nhiều hơn là các mối đe dọa từ Pakistan. Pakistan được cho là đã trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) và Nasr (tên lửa đạn đạo tầm ngắn), nhưng những vũ khí này được thiết kế để ngăn chặn và che giấu khả năng chiến tranh thông thường với Ấn Độ hơn là để phát động các cuộc tấn công chống Ấn Độ.

[Ấn Độ và Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực]

Trong khi New Delhi phải đánh giá năng lực quân sự thông thường của mình trong việc phòng thủ và đáp trả các mối đe dọa tiềm tàng (vì họ không thể chi cho quân đội bằng tiền ngân sách dành cho các nhu cầu khác của công dân), nước này cũng không thể bỏ qua các mối đe dọa phi truyền thống dưới hình thức các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và khủng bố xuyên biên giới. Các cuộc chiến này trở thành mối đe dọa kéo dài, gây đổ máu nhiều hơn các cuộc chiến tranh quy ước, và đặt ra những thách thức không ngừng trong việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.

Các cuộc tấn công khủng bố trên lục địa Ấn Độ đã tăng lên - tính đến các vụ nổi tiếng như cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội năm 2001, vụ khủng bố ở Mumbai, vụ khủng bố tại quận Gurdaspur ở bang Punjab năm 2015, cuộc tấn công căn cứ không quân Pathankot hồi tháng 1/2016 và các cuộc tấn công vào doanh trại quân đội Uri hồi tháng 9/2016, cũng như các cuộc tấn công thường xuyên nhưng ít được phương tiện truyền thông đưa tin. Ngoài ra, các cuộc tấn công xuyên biên giới xảy ra thường xuyên, khiến nhiều nhân viên quân sự và dân thường thiệt mạng mỗi ngày ở cả Ấn Độ và Pakistan.

Việc kiềm chế hành động quân sự khi đối mặt với các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới cùng với các cam kết ngoại giao với các bên liên quan đã mang lại những lợi ích ngoại giao cho New Delhi. Ví dụ, chính quyền Clinton đã yêu cầu Pakistan trong cuộc Chiến tranh Kargil năm 1999 rút quân qua Đường ranh giới kiểm soát (LOC). Rồi việc Ngoại trưởng Ấn Độ Jaswant Singh đã tới Trung Quốc trong lúc cuộc xung đột đang diễn ra, khiến Bắc Kinh phải giữ thái độ trung lập của họ.

Nỗ lực của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm tiếp thêm sinh lực cho chiến dịch chống khủng bố trên các diễn đàn quốc tế không chỉ thành công trong việc thuyết phục nhiều quốc gia phải quan tâm đến những nạn nhân Ấn Độ bị những kẻ khủng bố đối xử ngược đãi, mà còn có thể tập hợp sự ủng hộ ngoại giao trong khu vực khi một số quốc gia Nam Á láng giềng từ chối tham dự Hội nghị thượng đỉnh SAARC tổ chức tại Islamabad. Vào cuối nhiệm kỳ hai của chính quyền Obama, một số nhà lập pháp Mỹ đã xúc tiến đưa ra một đạo luật xếp Pakistan là một nhà nước tài trợ cho khủng bố sau cuộc tấn công vào doanh trại quân đội Uri của Ấn Độ.

Hơn nữa, Ấn Độ và các nước láng giềng cũng phải đối mặt với nhiều mối đe dọa phi truyền thống khác như nghèo đói, mù chữ, thất nghiệp, kém phát triển, buôn người bất hợp pháp và buôn lậu ma túy. Các quốc gia này chỉ có thể giải quyết những thách thức đó nếu họ có thể chuyển mối quan tâm từ tăng ngân sách quân sự và chiến lược cân bằng quyền lực sang sự hiểu biết lẫn nhau và hội nhập lớn hơn.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các cuộc họp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc sau vụ xung đột ở Doklam đã mở ra các khả năng cho việc tăng cường sự hiểu biết giữa New Delhi và Bắc Kinh. Cả hai nước đều nhất trí hướng tới thiết lập một đường dây nóng giữa các sở chỉ huy quân sự của họ nhằm tăng cường trao đổi thông tin và xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau.

New Delhi phải cải thiện bước đột phá này để chấm dứt nỗ lực vô tận của họ trong việc tăng cường năng lực quân sự. Cho dù các mối lo ngại của Ấn Độ đối với các hàng rào phi thuế quan của Trung Quốc và mức thâm hụt thương mại khổng lồ 63 tỷ USD vẫn còn, kim ngạch thương mại Trung-Ấn đã tăng lên. Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, các khả năng hợp tác thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã mở ra. Bắc Kinh không chỉ giúp Ấn Độ xuất khẩu gạo dễ dàng hơn và loại bỏ thuế nhập khẩu đối với thuốc chống ung thư, mà còn đồng ý chia sẻ dữ liệu dự báo dòng chảy của các sông trong mùa mưa lũ nằm giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: "Đối mặt với chính sách đơn phương và các hành động ức hiếp (của Mỹ), Trung Quốc và Ấn Độ có thêm nhiều lý do để tham gia nỗ lực xây dựng một trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn." Ấn Độ và Trung Quốc được cho là đã khởi xướng một chương trình đào tạo các nhà ngoại giao cho Afghanistan, và sau đó có thể sẽ có các chương trình chung trong những lĩnh vực khác ở Afghanistan.

Vì cả hai quốc gia đều nằm trong số những nước tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới, thay vì cạnh tranh, họ đang hợp tác để giữ giá tài nguyên thiên nhiên ở mức thấp. Ví dụ, để khắc phục mức phí bảo hiểm châu Á do các nước sản xuất dầu mỏ áp đặt, Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Được biết, hai nước đang cùng hợp tác ở một số khu vực của châu Phi như là các đối tác tự nhiên.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục