Ấn Độ lo chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc

Việc Pakistan đồng ý chuyển quyền quản lý hải cảng nước sâu Gwadar nằm trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh và có thể có liên quan đến Ấn Độ.

Tờ Thời báo Ấn Độ cho rằng việc Pakistan đồng ý chuyển quyền quản lý hải cảng nước sâu Gwadar từ công ty trách nhiệm hữu hạn PSA International Pte của Singapore cho công ty Hải cảng nước ngoài của Trung Quốc là nằm trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh và có thể có những liên quan đến Ấn Độ.

 

PSA của Singapore và công ty Hải cảng nước ngoài của Trung Quốc đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao quyền quản lý cảng Gwadar từ năm 2011, khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan đã thông báo tại Bắc Kinh rằng Islamabad sẽ chuyển giao quyền sở hữu hải cảng này cho một công ty Trung Quốc. Bất chấp tình hình an ninh đang trở nên xấu đi tại Balochistan và sự phản đối của người dân ở Balochistan, Trung Quốc đã đồng ý tiếp nhận cảng Gwadar.

 

Cảng Gwadar, do Trung Quốc xây dựng nhưng PSA điều hành hoạt động, chủ yếu tiếp nhận tàu bè thương mại. Pakistan hy vọng Trung Quốc sẽ sớm hoàn thành những phần còn lại của dự án phát triển hải cảng này và biến Gwadar thành một căn cứ hải quân. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm thì Trung Quốc mới có thể khai thác được lợi thế của cảng Gwadar. Họ còn phải xây dựng một bến bốc dỡ côngtenơ, các tuyến đường sắt và đường bộ từ cảng này đi qua Balochistan.

 

Đối với Trung Quốc, cảng Gwadar cũng có thể là một đường dẫn năng lượng vào khu vực Tây Bắc nước này bằng cách chuyển dầu mỏ và khí từ cảng qua các đường ống dẫn đi qua Balochistan. Do nhu cầu nhập khẩu năng lượng tăng nên Trung Quốc muốn tách các nguồn năng lượng của họ khỏi các vùng bất ổn trên eo biển Malacca và Biển Đông. Xung đột ở Biển Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng năng lượng của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu họ chuyển nguồn năng lượng đó qua cảng Gwadar, nơi hải quân Pakistan cũng có thể hỗ trợ thêm về an ninh.

 

Theo các số liệu mới đây, hơn 60% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Hormuz. Việc kiểm soát cảng Gwadar sẽ thay đổi động lực an ninh đối với Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc đang tìm cách tiến vào Ấn Độ Dương, cảng Gwadar sẽ là bãi đáp lý tưởng cho tàu Trung Quốc.

 

Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện chắc chắn tại cảng Hambantota của Sri Lanka và hiện đang lôi kéo quan hệ với Maldives. Trung Quốc cũng đang xây dựng hải cảng tại Chittagong và Sonadiya của Bangladesh. Xét từ quan điểm an ninh, Ấn Độ có thể tự nhận thấy mình đang bị bao vây. Chính vì lẽ đó mà Ấn Độ đã thúc đẩy quan hệ với Oman; xúc tiến kế hoạch phát triển cảng Chahbahar của Iran, song đây vẫn là một dự án dài hạn.

 

Cảng Gwadar được đánh giá có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển kinh tế cũng như quân sự của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích chiến lược và phương tiện thông tin Trung Quốc đã giảm tầm quan trọng chiến lược của sự kiện công ty Trung Quốc tiếp quản quyền quản lý hải cảng này, bằng cách nhấn mạnh rằng sự quan tâm của Bắc Kinh chỉ đơn thuần về khía cạnh thương mại.

 

Thời báo Hoàn cầu nói rằng sức hút chủ yếu của cảng Gwadar đối với Trung Quốc là tạo sự thay thế eo biển Malacca, nơi 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Trung Quốc cũng đang dự định xây dựng một ống dẫn nhiên liệu từ cảng này tới khu vực Tân Cương, cực Tây nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục