Ấn Độ nỗ lực hiện thực hóa những tiềm năng của châu Phi

Triển vọng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm 2019 hứa hẹn khả năng đầu tư của cường quốc châu Á này tại châu Phi trong tương lai.
Ấn Độ nỗ lực hiện thực hóa những tiềm năng của châu Phi ảnh 1(Nguồn: PushpendraGautam.in)

Trang mạng businesslive.co.za ngày 9/4 đã đăng bài phân tích của Cheryl Buss, Trưởng bộ phận quản lý khách hàng châu Phi của Tập đoàn tài chính ABSA (Absa Group), đề cập đến triển vọng Ấn Độ hiện thực hóa tiềm năng châu Phi.

Nội dung bài viết như sau:

Trong chuyến thăm gần đây tới Lục địa Đen, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định “châu Phi là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi.”

Với lịch sử khá tương đồng và quan hệ thương mại song phương mạnh mẽ, nhiều nước châu Phi đã phát triển quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế chặt chẽ với Ấn Độ.

Trong bối cảnh đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược châu Phi ngày càng tăng, vai trò đối tác chiến lược của Ấn Độ nhằm phát huy tiềm năng và tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Phi ngày càng thể hiện rõ.

Trong 2 thập kỷ qua, thương mại song phương Ấn Độ-châu Phi đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Ấn Độ trở thành đối tác thương mại ở cấp độ quốc gia lớn thứ 4 của châu Phi.

Kim ngạch thương mại châu Phi-Ấn Độ tăng hơn 8 lần, từ 7,2 tỷ USD năm 2001 (đạt 2,7% tổng thương mại của châu Phi) lên 59,9 tỷ USD năm 2017 (chiếm hơn 6,4% tổng thương mại của châu Phi). Tuy nhiên, kim ngạch thương mại với châu Phi hiện nay chỉ chiếm hơn 8% tổng kim ngạch của Ấn Độ.

Tài nguyên thiên nhiên và nguyên-nhiên liệu chiếm khoảng 75% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của châu Phi sang Ấn Độ, trong khi xuất khẩu của Ấn Độ sang châu Phi chủ yếu là dầu mỏ và dược phẩm tinh chế. Trong 5 năm qua, 2 sản phẩm này đã chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang thị trường châu Phi. Các nước châu Phi tiếp nhận đầu tư từ Ấn Độ nhiều nhất bao gồm Mauritius, Mozambique, Sudan, Ai Cập và Nam Phi.

Thực tế cho thấy các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược đã làm thay đổi quỹ đạo phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia.

[Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế 10.000 tỷ USD]

Các khoản đầu tư có thể làm tăng khả năng tiếp cận với nguồn điện và nước, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, kết nối các thành phố, mở ra khả năng thông thương bằng cải thiện các cảng, mang cơ hội mới đến với người dân thông qua kết nối băng thông rộng hoặc giảm khoảng cách địa lý với các sân bay đẳng cấp thế giới. Việc Ấn Độ đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi thúc đẩy tiềm năng, gia tăng triển vọng và tăng trưởng trên khắp lục địa.

Sức mạnh đột phá của cơ sở hạ tầng có thể mang lại những cơ hội lớn hơn. Ở Ấn Độ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách mạnh mẽ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2019 và có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2030, góp phần gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của quốc gia Nam Á này. Ấn Độ cũng có thể áp dụng các kinh nghiệm đó trong quá trình đầu tư tại châu Phi.

Ấn Độ và châu Phi có khoảng cách địa lý thuận lợi, quy mô lớn về cơ hội đầu tư, song cũng đối mặt với các thách thức liên quan đến nỗ lực hợp tác giữa các nhà đầu tư tư nhân, các chính phủ và các tổ chức tài chính phát triển.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thập kỷ tới, cơ sở hạ tầng về năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh, thủy lợi ở châu Phi đòi hỏi khoản đầu tư khoảng 100 tỷ USD/năm.

Giai đoạn những năm 2000 chứng kiến sự tăng trưởng cao của châu Phi và một số nước như Ethiopia, Kenya, Rwanda, Cộng hòa Dân chủ Congo. Thậm chí Angola đạt được bước ngoặt về kinh tế. Châu Phi nhanh chóng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng cao, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là về năng lượng.

Bên cạnh rất nhiều công ty quốc doanh vừa và nhỏ của Ấn Độ đang làm ăn tại Lục địa Đen, các tập đoàn tư nhân của nước này cũng đã nhận biết được cơ hội và đầu tư lớn vào khu vực này.

Các công ty con của Ấn Độ cũng thâm nhập, đầu tư vào châu Phi, tiến hành các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ bổ sung nhân viên đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Về cơ cấu tài chính, nhiều tập đoàn Ấn Độ thành lập công ty cổ phần ở châu Phi để điều hành tài chính của các công ty con trên khắp lục địa.

Các công ty của Ấn Độ huy động vốn địa phương và cho vay cổ đông, góp phần thúc đẩy các cấu trúc tài chính tiên tiến hình thành và phát triển, thậm chí một số công ty đang dự định có bước phát triển xa hơn và cân nhắc việc phát hành cổ phiếu lần đầu tiên đối với công ty cổ phần quản lý tài chính châu Phi.

Theo ước tính, nếu chính phủ và các doanh nghiệp liên quan tiến hành những biện pháp phù hợp để khai thác tiềm năng hiện có, kim ngạch thương mại châu Phi-Ấn Độ có thể tăng gấp đôi vào năm 2021.

Các công ty Ấn Độ có kỹ năng tốt về nhiều lĩnh vực, nhất là viễn thông, cơ sở hạ tầng, dược phẩm và nông nghiệp. Đây là những ngành đòi hỏi tăng trưởng và đầu tư ở châu Phi. Các khoản đầu tư của Ấn Độ giúp các nền kinh tế ít kết nối khắc phục được nhược điểm địa lý, giảm chi phí vận chuyển, hội nhập thương mại và sẽ mở ra cơ hội mới cho hàng triệu người trên khắp lục địa.

So với các khu vực đang phát triển khác, tiềm năng tăng trưởng phía Nam Sahara của châu Phi thậm chí còn lớn hơn. Khoảng 40% dân số khu vực này thuộc các quốc gia không giáp biển và nhiều nền kinh tế bị biệt lập với các trung tâm thị trường toàn cầu. Tại khu vực này, thu hẹp khoảng cách về số lượng và chất lượng trong cơ sở hạ tầng có thể giúp tăng GDP bình quân đầu người thêm 1,7%/năm, trừ Nam Phi.

Đối với các nước thu nhập thấp trong khu vực, ngành năng lượng hiện có lợi nhuận tiềm năng lớn nhất, trong khi ở các nước thu nhập trung bình thấp, đầu tư vào ngành giao thông lại có triển vọng sinh lợi nhuận cao.
Trong những năm tới, tăng trưởng kinh tế bền vững có thể sẽ có tác động tích cực đến giảm đói nghèo và thị trường tiêu dùng ở cả châu Phi và Ấn Độ. Kinh doanh tại châu Phi có đặc điểm mang tính chu kỳ và rủi ro. Châu Phi không phải là thị trường đầu tư ngắn hạn, khả năng sinh lợi nhuận mang tính hiện thực nhưng đòi hỏi thời gian dài. Các công ty của Ấn Độ nhận thức được các cơ hội tăng trưởng lớn, chấp nhận rủi ro để hiện thực hóa tiềm năng thành lợi nhuận.

Triển vọng Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm 2019 hứa hẹn khả năng đầu tư của cường quốc châu Á này tại châu Phi trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục