Ấn Độ triển khai mở tài khoản ngân hàng cho toàn dân

Ấn Độ triển khai kế hoạch mở 75 triệu tài khoản ngân hàng cho tất cả các hộ gia đình trên cả nước như một sáng kiến nhằm giúp đỡ người nghèo tại đất nước này.
Ấn Độ triển khai mở tài khoản ngân hàng cho toàn dân ảnh 1Giao dịch tại một ngân hàng của Ấn Độ. (Nguồn: eprahaar.in)

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi thông báo triển khai kế hoạch mở 75 triệu tài khoản ngân hàng cho tất cả các hộ gia đình trên cả nước như một sáng kiến nhằm giúp đỡ người nghèo ở đất nước 1,2 tỷ dân này.

Thủ tướng Modi cho biết, gần 68% dân số Ấn Độ không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và thường phải tìm đến những công ty cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Ông Modi đề nghị các ngân hàng nhà nước và các ngân hàng tư nhân hỗ trợ kế hoạch này.

Tuy vậy, giới quan sát tỏ ra hoài nghi về chương trình trên và cho rằng để mang dịch vụ ngân hàng đến cho người nghèo, vốn có thể không có cả giấy tờ tùy thân, sẽ là một thử thách lớn.

Phát biểu trong bài diễn văn nhân Ngày Độc Lập của Ấn Độ hôm 15/8, Thủ tướng Modi nói: “Hiện nay có hàng triệu gia đình có điện thoại di động nhưng lại không có tài khoản ngân hàng. Chúng ta cần thay đổi tình trạng này.”

Theo kế hoạch, Chính phủ nước này sẽ mở 75 triệu tài khoản ngân hàng cho tất cả các hộ gia đình trong thời gian từ giữa tháng 1/2015 đến năm 2018. Mỗi chủ tài khoản sẽ được nhận một thẻ ghi nợ, một bảo hiểm tai nạn trị giá 100.000 rupee (1.654 USD) và bảo hiểm nhân thọ trị giá 30.000 rupee.

Ông Modi đã gửi email cho 700.000 nhân viên ngân hàng để kêu gọi sự ủng hộ của họ đối với chương trình này và cho biết “dự án cần được thực hiện cấp tốc vì tất cả các kế hoạch phát triển khác đang bị thiếu sót duy nhất này kìm hãm.”

Giới chuyên gia nhận định phổ cập dịch vụ tài chính sẽ giúp Chính phủ Ấn Độ trả các khoản phúc lợi xã hội trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của người dân và giảm nạn tham nhũng.

Tình trạng tham nhũng và lãng phí đã khiến nước này tốn thêm hàng tỷ USD để trợ giá lương thực, nhiên liệu và phân bón nông nghiệp cho dân nghèo, trở thành gánh nặng lớn đối với chi tiêu ngân sách chính phủ.

Bên cạnh đó, kế hoạch này cũng sẽ giúp giảm ảnh hưởng của các tổ chức cho vay nặng lãi, vốn hoạt động ngoài tầm kiểm soát của Ngân hàng trung ương. Ông Vilay Advani, phó chủ tịch hãng Franklin Templeton Investments, nói rằng kế hoạch này là “cơ hội hiếm thấy để Ấn Độ đổi mới hệ thống tài chính toàn diện.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính đối với kế hoạch này là tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân ở người nghèo. Việc mở tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ yêu cầu xuất trình giấy khai sinh, chứng minh địa chỉ,…

NSN Reddy, Giám đốc điều hành Ngân hàng Andhra Bank, nói: “Đối với nhiều người dân, việc mở tài khoản ngân hàng là điều vô cùng khó khăn”. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ Raghuram Rajan nói ông hy vọng kế hoạch này sẽ giúp người nghèo “tự chủ về kinh tế” thông qua việc cung cấp cho họ bảo hiểm và vốn vay.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình cao nhất thế giới, song Ngân hàng trung ương nước này cho biết chỉ 35% các khoản tiền này được gửi ở ngân hàng.

Tình trạng người dân không thể vay các khoản tiền nhỏ từ các ngân hàng lớn mà phải tìm đến các tổ chức tín dụng cá nhân, nhỏ lẻ để vay với mức lãi suất “cắt cổ” càng làm tăng tỷ lệ người nghèo ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục