Rủi ro về các "cú sốc" chuỗi cung ứng chưa bao giờ dễ thấy như hiện nay sau cuộc khủng hoảng kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.
Chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) từng được coi là “thần dược” giúp phát triển kinh tế đang gây nhiều tranh cãi trên thế giới.
Các quy trình sản xuất xuyên biên giới ngày càng phức tạp đang đặt ra cho các tập đoàn và người dân nhiều rủi ro.
Tuy nhiên, hội nhập nhiều hơn vào GVC cũng sẽ cải thiện hoạt động kinh tế và thúc đẩy thịnh vượng chung, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
Báo cáo của ORF dựa trên khảo sát giám đốc điều hành của 200 công ty trong và ngoài nước ở Ấn Độ trong sáu lĩnh vực gồm hàng không vũ trụ và quốc phòng, ôtô và linh kiện, tư liệu sản xuất, thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử (ESDM), năng lượng mới và tái tạo và dược phẩm và thiết bị y tế.
[Ấn Độ với tham vọng trở thành cường quốc kinh tế-chính trị thế giới]
Một số câu hỏi đáng chú ý: Sự phát triển địa chính trị ảnh hưởng đến nhận thức của các doanh nghiệp về GVC, tầm quan trọng tương đối của chúng và sức hấp dẫn của Ấn Độ so với các nước khác như thế nào? Các doanh nghiệp ở Ấn Độ đang phải đối mặt với khó khăn trong việc hội nhập vào GVC như thế nào? Ấn Độ cần thiết lập loại hệ sinh thái nào để tạo ra các mối liên kết GVC tốt và quốc gia này nên ưu tiên những chính sách nào để đạt được điều này?
Báo cáo đã trình bày nhận thức của các công ty về GVC giữa bối cảnh GVC đối mặt với những gián đoạn lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Báo cáo cũng nêu quan điểm của các doanh nghiệp về chính sách thương mại của Ấn Độ và tóm tắt thách thức chính mà doanh nghiệp phải đối mặt trong việc mở rộng quy mô sản xuất và tích hợp vào GVC ở Ấn Độ.
Báo cáo khuyến nghị can thiệp chính sách trong tám lĩnh vực và vạch ra chiến lược kết hợp khả năng phục hồi vào các mối liên kết GVC của Ấn Độ.
Quan điểm của doanh nghiệp Ấn Độ đối với GVC
Bất chấp rủi ro và sự không chắc chắn, các doanh nghiệp coi việc hội nhập sâu hơn vào GVC là rất quan trọng đối với Ấn Độ.
Môi trường địa chính trị hiện tại, đặc biệt là khi các công ty tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc, mang lại cơ hội cho Ấn Độ thu hút các GVC đang tìm kiếm nhà máy sản xuất mới. Một cơ hội đặc biệt nổi bật là nếu Ấn Độ có thể cung cấp một môi trường có lợi cho khả năng phục hồi.
Các diễn biến địa chính trị ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư ở Ấn Độ. Các công ty hiện đang xem xét lại chuỗi giá trị và sự phân bổ sản xuất giữa các quốc gia. Ấn Độ có thể tận dụng cơ hội nhưng phải thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản.
Sức hấp dẫn của Ấn Độ so với các quốc gia khác phụ thuộc vào khả năng cải thiện môi trường kinh doanh. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng rất quan trọng và đồng lợi ích với các ưu tiên trong nước khác.
Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp vào cả nhập khẩu và xuất khẩu là cao, nhưng các doanh nghiệp cho biết họ tương đối ít chú ý đến thách thức nhập khẩu, điều mà họ coi là quan trọng.
Bên cạnh đó, các công ty đồng ý Ấn Độ cần đánh giá lại các chính sách thương mại.
Chính sách thương mại là yếu tố cần thiết hội nhập GVC thành công và thỏa thuận thương mại gần đây của Ấn Độ với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Australia là minh chứng cho thấy nước này sẵn sàng tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ thương mại mặc dù không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các công ty đồng ý Ấn Độ nên ưu tiên một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những thách thức chính sách trong nước. Những trở ngại khó khăn nhất đối với nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất ở Ấn Độ bao gồm các chính sách và thủ tục thuế phức tạp, chất lượng cơ sở hạ tầng và sự không chắc chắn trong chính sách thương mại.
Sự hỗ trợ của chính phủ là cần thiết để tạo điều kiện tích hợp GVC. Những trở ngại đáng kể nhất đối với các doanh nghiệp khi tham gia vào GVC là đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, thiếu hỗ trợ thể chế và thông tin không đầy đủ. Chính phủ có vai trò trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.
Liên quan đến chính sách ưu tiên trong nước, các công ty cho rằng trong trung hạn, Ấn Độ nên tập trung vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và vật lý, tăng cường quy định tài chính và đầu tư, đồng thời đảm bảo sự rõ ràng và chắc chắn về các chính sách thương mại.
Nếu được quản lý tốt, việc tích hợp nhiều hơn vào các GVC có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức và công nghệ.
Báo cáo phác thảo các chiến lược để Ấn Độ tạo ra các mối liên kết GVC mạnh mẽ và đảm bảo rằng trong nỗ lực kết hợp tốt thành GVC, nước này đang xây dựng khả năng phục hồi.
Lợi ích của GVC
Các kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ví dụ như thiết kế sản phẩm có sự hỗ trợ của máy tính. Điều này cho phép mã hóa các thiết kế và tiêu chuẩn hóa các thành phần của sản phẩm, từ đó giúp các công ty tiêu chuẩn hóa sản xuất và lắp ráp. Nhờ vậy, việc thiết kế, sản xuất và lắp ráp các sản phẩm có thể được thực hiện riêng biệt ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Đây là cơ sở của chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế tiên tiến đã dựa vào GVC để tối đa hóa khả năng cạnh tranh bằng cách thuê nước ngoài sản xuất và lắp ráp ở các địa điểm có chi phí thấp nhất.
Vì GVC chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong giá trị gia tăng toàn cầu, các quốc gia là một phần chính của GVC có thể được hưởng lợi từ việc tạo ra việc làm và của cải. Đồng thời, các quốc gia muốn trở thành một phần của GVC cần có nguồn nhân lực có kỹ năng, chính sách hỗ trợ và môi trường kinh doanh.
Hơn nữa, vì các mặt hàng di chuyển giữa các quốc gia khác nhau trong quá trình sản xuất, đôi khi nhiều lần, thương mại đóng một vai trò thiết yếu trong việc sản xuất các sản phẩm trong GVC. Đặc biệt, thuế quan bằng 0 và biện pháp tạo thuận lợi thương mại rất quan trọng trong việc tiết kiệm chi phí và thời gian.
Vì quá trình sản xuất và lắp ráp được thực hiện dựa trên các khuôn mẫu được tiêu chuẩn hóa nên các công ty đa quốc gia có thể thay thế các công ty sản xuất linh kiện hoặc sản xuất theo dây chuyền lắp ráp nâng cao khả năng cạnh tranh. Việc đa dạng hóa nguồn cung cấp giúp xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy.
Mặt khác, vai trò quan trọng và độ tin cậy của mọi quốc gia là một phần của GVC cũng khiến các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa các quốc gia, để có thể chống chọi tốt hơn với các cú sốc như đại dịch COVID-19, các thảm họa liên quan đến khí hậu hoặc xung đột.
Thông thường, giai đoạn đầu của GVC, liên quan đến nghiên cứu và phát triển, thiết kế, dịch vụ và tiếp thị (có gắn quyền sở hữu trí tuệ) là những hoạt động về lợi nhuận. Các thành phần này cũng có xu hướng nằm ở các nền kinh tế tiên tiến.
Trong khi đó, các giai đoạn sau của GVC có xu hướng sử dụng nhiều lao động và có giá trị gia tăng thấp hơn và thường nằm ở các nước đang phát triển.
GVC cung cấp cho sản xuất một cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ năng và tăng xuất khẩu, do đó đóng vai trò là chất xúc tác tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, tích hợp GVC không tự động mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp như tạo việc làm và cải thiện mức sống và do đó chính sách có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các kết quả tốt nhất có thể.
Thúc đẩy hội nhập GVC thông qua chính sách thương mại
Thương mại, một trong những động cơ tăng trưởng, không được tận dụng đầy đủ ở Ấn Độ trong thập kỷ qua. Xuất khẩu hàng hóa vẫn không đổi, ở mức khoảng 300 tỷ USD/năm.
Đáng chú ý, thương mại của Ấn Độ giảm mạnh từ 56% GDP năm 2011 xuống còn 40% GDP năm 2019 - năm cuối cùng trước đại dịch COVID-19 bùng phát.
Mặc dù thương mại có ghi nhận tăng trưởng trong năm 2021, chủ yếu là do nhu cầu tăng và hiệu ứng giá cả, việc duy trì mức tăng trưởng hiện tại là một thách thức. Thực tế, sự phục hồi thương mại tiếp tục chậm lại do cuộc khủng hoảng diễn ra ở Ukraine.
Ấn Độ không phải là một phần của các khối thương mại quan trọng và là một nước đến sau trong không gian GVC.
Một trong những lý do chính là do GVC phát triển mạnh trên khắp các khu vực tự do hóa thương mại với nhau bằng cách giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tích cực thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và bảo vệ đầu tư. Các biện pháp này thường là một phần của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
Ngày nay, “tô mỳ spaghetti” của FTA gồm khoảng 500 thỏa thuận có liên kết và chồng chéo.
Các nước Mỹ Latinh, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Nhật Bản và thậm chí Trung Quốc, những nước có hoạt động kinh doanh năng động, có nhiều thỏa thuận thương mại khu vực đa phương và lớn tạo điều kiện thuận lợi cho GVC.
Ấn Độ, vốn là một thị trường lớn với dân số trẻ, có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên, Ấn Độ cần nhanh chóng bắt kịp các tiêu chí thiết yếu, cụ thể như thuế quan, hậu cần và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và đầu tư cho phép GVC hoạt động trơn tru. Ấn Độ gần đây cũng đã quyết định theo đuổi các hiệp định thương mại ưu đãi một cách quyết liệt, nhằm hỗ trợ hội nhập vào GVC.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tạo thêm cơ hội cho Ấn Độ trở thành một phần của các GVC lớn.
Các công ty đa quốc gia có trụ sở chính tại Mỹ trước đây thành lập cơ sở tại Trung Quốc tận dụng cơ sở hạ tầng, kỹ năng và chi phí yếu tố thấp để sản xuất với mức giá cạnh tranh toàn cầu và xuất khẩu sang Mỹ.
Do đó, một tỷ trọng lớn sản xuất thép, đồ tiêu dùng, hàng dệt và quần áo, giày dép và điện tử trên toàn cầu tập trung ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dẫn đến việc Mỹ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia đang tìm kiếm các địa điểm thay thế sản xuất những mặt hàng này và giảm thiểu rủi ro bằng cách đa dạng hóa nguồn cung.
Đại dịch COVID-19 gây ra nhiều tắc nghẽn trong mạng lưới hậu cần, hạn chế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô, sản phẩm trung gian và nguồn cung cấp, ảnh hưởng xấu hoạt động hiệu quả của GVC.
Điều này làm nổi bật nhu cầu tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung cấp, giúp cho GVC hoạt động hiệu quả với các bộ phận và linh kiện luôn sẵn sàng được cung ứng trong thời gian ngắn.
Do đó, xu hướng trên toàn cầu hiện nay là tìm kiếm các điểm đến thay thế cho sản xuất tập trung nhằm tăng khả năng phục hồi của GVC.
Đây là cơ hội Ấn Độ không thể bỏ qua. Một gói các biện pháp khuyến khích, quản trị, cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần, giảm thuế quan và tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu cần phải được khẩn trương xây dựng.
Một số khía cạnh như kế hoạch Khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) tham vọng được áp dụng, trong khi những khía cạnh khác vẫn cần được thực hiện.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong mạng lưới sản xuất của nhiều sản phẩm quan trọng và khiến việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng trở nên cấp thiết.
Các nhà lãnh đạo Bộ tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ) tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 3/2021 đã nhấn mạnh nhu cầu chuỗi cung ứng đáng tin cậy và linh hoạt. Lời kêu gọi được đưa ra như một phần của nỗ lực kích thích sản xuất khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Hội nghị gây được tiếng vang trong các tuyên bố của các nhà lãnh đạo, đặc biệt là ở Mỹ và Ấn Độ. Vào thời điểm viết báo cáo này, làn sóng do biến thể Omicron dường như đang suy giảm nhưng vẫn còn sự không chắc chắn do mối đe dọa của các biến thể tương lai.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Ukraine tạo ra những thách thức mới cho chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế, tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực năng lượng và lương thực. Việc xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, mạnh mẽ cũng mang tính cấp thiết như vấn đề an ninh quốc gia./.