Ấn Độ-Việt Nam thúc đẩy liên kết giữa các nước trong khối CLMV

Ấn Độ và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự liên kết sâu sắc vì một tương lai tươi sáng hơn của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV).
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Báo The Economic Times ngày 21/6 đã đăng bài viết của tác giả Dipanjan Roy Chaudhury cho biết Ấn Độ và Việt Nam sẽ thúc đẩy sự liên kết sâu sắc vì một tương lai tươi sáng hơn của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 của các nước này tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar trong ngày 22-23/6.

Các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã khẳng định rằng sự liên kết giữa các nước CLMV sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai chính sách “Hành động phía Đông” của New Delhi.

Ấn Độ có quan hệ mạnh mẽ với từng nước trong khối CLMV và sự liên kết kinh tế khu vực sẽ góp phần tăng cường quan hệ giữa New Delhi với các nước Đông Nam Á - “hòn đá tảng” trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ.

Hội nghị lần thứ 6 của “Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawaddy-Chao-Phraya Mekong” (ACPMECS), với sự tham gia của bốn nước CLMV cũng diễn ra song song với Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 7 ở Nay Pyi Taw từ 22-23/6. Tám lĩnh vực mà ACMECS đang hợp tác gồm thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Hội nghị cấp cao CLMV được tổ chức hai năm một lần, được coi là có tầm quan trọng lớn trong khuôn khổ ASEAN, bởi cả bốn nước này đều là thành viên ASEAN.

Hội nghị lần này sẽ thảo luận vấn đề hợp tác giữa các nước trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và du lịch.

Bộ Thương mại Ấn Độ đã yêu cầu phân bổ 16,1 triệu USD ngân sách cho Quỹ phát triển dự án để đầu tư vào các trung tâm chế tạo tại CLMV. Ấn Độ đã đầu tư nhiều vào một số nước CLMV, trong đó có 84 dự án đầu tư do Ấn Độ cấp vốn tại Việt Nam, chủ yếu trong các dự án như thăm dò dầu mỏ, phát điện, chế tạo hóa chất.

Ấn Độ cũng đóng góp 1 tỷ USD vào các dự án điện, tưới tiêu và chế tạo tại các nước CLMV nói chung. Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và các nước CLMV đã tăng 10 lần, từ 1,1 tỷ USD trong năm 2004 lên 11,2 tỷ USD năm 2013. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ vào các nước CLMV cũng đạt 40,9 triệu USD trong năm 2013.

Các quan chức Chính phủ Ấn Độ đã nói rõ rằng các điều kiện kinh tế-xã hội của các nước CLMV và quan hệ gần gũi giữa các nước này với Ấn Độ đã tạo môi trường kinh doanh phù hợp và cơ hội để hai bên có thể khai thác tiềm năng hợp tác cùng có lợi.

Myanmar - một thành viên CLMV có biên giới chung với Ấn Độ - sẽ tăng cường hợp tác trong nội bộ khối để cải thiện cơ sở hạ tầng và điều này sẽ tăng hiệu quả của việc thiết lập các hành lang kinh tế trong khu vực, mang lại lợi ích cho cả Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Ấn Độ, thậm chí nếu như hầu hết các nước CLMV có chung biên giới và gần với Ấn Độ, thì Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan vẫn có tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào các nước CLMV nhiều hơn, đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2012, chiếm 11% tổng đầu tư vào các nước ASEAN.

Đầu tư trực tiếp của Ấn Độ trong các liên doanh và các công ty chi nhánh tại các nước CLMV từ tháng 4/1996 đến tháng 3/2012 đạt khoảng 700 triệu USD, trong đó phần lớn vào Việt Nam.

Trong khi tìm kiếm lợi ích từ sức mạnh công nghiệp đang nổi của các nước CLMV, Ấn Độ cũng đang tăng cường hợp tác với các thành phố tại mỗi nước. Chẳng hạn dệt may, dược phẩm, du lịch và nông nghiệp áp dụng công nghệ cao được xác định là những lĩnh vực đầu tư của Ấn Độ tại thành phố Cần Thơ của Việt Nam.

Ấn Độ cũng đã đề xuất các thỏa thuận thương mại với từng nước CLMV. Cạnh tranh với các công ty nước ngoài tại CLMV cũng làm tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Ấn Độ, qua đó tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong dài hạn.

Các chuyên gia trong khu vực hy vọng Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 7 sẽ góp phần thúc đẩy sự liên kết mạnh hơn giữa bốn nước này với các thành viên khác của ASEAN trong năm quan trọng này, khi ASEAN hướng tới mục tiêu thiết lập Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay.

Giáo sư Pou Sovachana tại trường Đại học tổng hợp Pannasastra của Campuchia nhận định rằng mặc dù có những nỗ lực nghiêm túc đối với sự phát triển kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á, vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa CLMV với các quốc gia khác trong ASEAN.

Để đạt mục tiêu tham vọng về thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong năm nay, điều quan trọng là phải giảm khoảng cách chênh lệch về phát triển này. CLMV có thể phát triển lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm chế tạo, thu hút đầu tư và công nghệ từ các nước để đóng góp cho Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Việt Nam có nền kinh tế mạnh nhất trong số các nước CLMV, đã đạt tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự cả hai Hội nghị cấp cao trên của CLMV tại Nay Pyi Taw nhằm phác thảo kế hoạch để đất nước hội nhập kinh tế tốt hơn thông qua cơ sở hạ tầng tốt hơn và đầu tư bên ngoài. Kim ngạch thương mại kết hợp của Việt Nam với Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2009 lên 12,8 tỷ USD năm 2012.

Trước Hội nghị cấp cao CLMV, Việt Nam cũng đã có một số đóng góp quan trọng để tăng cường liên kết gữa các quốc gia. Mô hình “một cửa sổ” đã được triển khai thực hiện từ năm 2015 tại biên giới Lao Bảo của Việt Nam và Densavan của Lào trong tháng 2/2015.

Việt Nam, Lào, Thái Lan đang phối hợp để sớm triển khai mở rộng hành lang Đông-Tây (EWC) tới các trung tâm kinh tế của cả ba nước. Điều này cũng có thể góp phần kết nối Ấn Độ thông qua Myanmar và khu vực Đông Bắc. Hà Nội cũng đã thúc đẩy thực hiện hầu hết Kế hoạch hành động CLMV năm 2014 trước Hội nghị cấp cao lần thứ 7 này, bao gồm xúc tiến các sự kiện quảng bá du lịch trong khu vực.

Tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 5 ACMES gần đây nhất tại Lào vào năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh rằng những nỗ lực chung tại ACMECS cần hỗ trợ việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, bảo đảm phát triển bền vững trong khu vực.

Ông cho rằng các chương trình hợp tác ACMECS cần tập trung vào việc thúc đẩy kết nối khu vực thông qua các hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục